Kinh nghiệm học Luật sư tại Học viện Tư pháp (part 1: Lý do học và các bước đăng ký học)
Chào các em, sau một thời gian dài dài dài không có những cập nhật mới trên blog (do cũng không có kinh nghiệm học hành gì chia sẻ thêm cho các bạn, các em) thì hôm nay, mình quyết định quay lại mục đích ban đầu của blog đó là lưu lại và chia sẻ một chút kinh nghiệm của người đi trước để quá trình học hành của các bạn, các em có một cái nhìn rõ ràng và dễ thở hơn.
Hiện tại, mình mới hoàn thành xong khóa học đào tạo nghề Luật sư tại Học viện Tư pháp (mới thi xong tất cả các môn, chưa nhận văn bằng). Và mình sắp bước vào giai đoạn tập sự và chuẩn bị thi chứng chỉ.
Trong những bài đăng tới đây, mình sẽ chia sẻ về các kinh nghiệm khi tham gia học khóa học này tại Học viện Tư pháp cũng như chia sẻ các tài liệu mà mình đã nghiên cứu và thực hiện trong quá trình học để mọi người có thể tham khảo thêm. Nhưng trước hết, ở phần 1 này, mình sẽ viết về lý do quyết định học và hướng dẫn quá trình đăng ký học nhé.
Học luật sư tại Học viện Tư pháp |
I. Học Luật sư có khó không và vì sao mình quyết định học Luật sư?
1. Học luật sư có khó không?
Mình xin khẳng định là CÓ!
So với việc học tại Đại học Luật Hà Nội thì học Luật sư tại Học viện Tư pháp là một trải nghiệm rất khác và theo mình là có phần khó hơn do yêu cầu kinh nghiệm và những kỹ năng mà bạn đã làm việc trong thực tế (ngoài ra thì việc đạt điểm cao, đạt văn bằng loại khá còn khó hơn cả việc kiếm bằng giỏi tại HLU luôn ấy). Việc thi lấy chứng chỉ hành nghề Luật sư cũng được coi là một trong những kỳ thi tử thần khi tỷ lệ pass chỉ khoảng 40 - 50%, ngay kể cả những anh chị mình thấy rất giỏi, rất xuất sắc cũng có thể trượt như thường.
2. Vì sao mình chọn học Luật sư?
Để nói đến lý do học thì có rất nhiều các lý do khác nhau, mỗi người có một mục đích riêng khi tham gia khóa học này. Tất nhiên, mục đích chung vẫn là đạt chứng chỉ hành nghề luật sư.
Hiện tại có rất nhiều quan điểm về việc học Luật sư như sau:
Học Luật sư
phù hợp cho các bạn làm công ty ngoài, làm firm luật |
Nếu định hướng
vào nhà nước, làm công chức, viên chức thì không nên học luật sư mà nên học
thạc sĩ |
Học Luật sư càng
sớm càng tốt, đằng nào chẳng phải học |
Chỉ nên học Luật
sư khi thấy cần thiết và sau khi đã trải nghiệm, tích lũy đủ kinh nghiệm thực
tế (ít nhất vài năm) |
Chỉ những người
làm về tố tụng mới cần học luật sư để ra tòa |
Không làm tố
tụng thì cũng nên học luật sư tuy nhiên không có cũng không sao. |
Và rất rất nhiều các quan điểm khác liên quan đến việc học luật sư như: học Luật sư lương auto tăng thêm ít nhất vài triệu, học Luật sư xong dễ đi xin việc và các vị trí tốt hơn, học Luật sư nhanh không tăng học phí (ờ thì cái này đúng nè), học luật sư cho có chứng chỉ chứ chủ yếu là do đi làm tích lũy kiến thức và kinh nghiệm thôi.
Nói chung có rất nhiều quan điểm khác nhau, và với mình không có quan điểm nào là đúng hay sai tuyệt đối, do hoàn cảnh và mục đích của mỗi người khi tham gia khóa học là khác nhau. Lớp mình học có những cô, những bác đã 60 65 tuổi nhưng vẫn đi học đơn giản là để mở rộng kiến thức, gặp gỡ, tư duy để rèn luyện bản thân chứ hoàn toàn không vì mục đích hành nghề hay kiếm tiền. Vì vậy, tùy vào định hướng công việc, khả năng tài chính của mỗi người mà việc có đi học luật sư hay không và học vào thời điểm nào là linh hoạt và phù hợp với cá nhân người đó.
Với mình thì là các lý do sau:
- Mình định hướng làm firm và doanh nghiệp nên chứng chỉ luật sư sẽ là một chứng chỉ hỗ trợ cho quá trình làm việc của mình;
- Mình quyết định học sớm do thời gian đó mình chưa kết hôn nên việc đi học sẽ được thoải mái hơn. Sau khi học xong trên trường thì vẫn còn thời gian đi tập sự và thi lúc nào thì thi nên mình có thể tự tích lũy thêm kinh nghiệm rồi thi chứng chỉ cũng được;
- Thời gian đó các anh chị ở firm mình làm việc đi học cũng nhiều, nên có thể học cùng nhau để dễ support nhau trong quá trình học hơn;
- Học phí thời gian đó rẻ hơn và quy chế học cũng dễ thở hơn so với các khóa sau. (Học phí Khóa 21 của mình là khoảng 17tr500, đến khóa sau mình đã tăng lên mức khoảng 23 triệu).
- Ngoài ra thì mình cũng có một số lý do khác tuy nhiên chỉ là phụ thôi (ví dụ như là để mở rộng network với các anh chị, bạn bè trong ngành)
Mình thấy hiện tại các bạn trẻ (bao gồm cả mình, minh đi học sau 1 năm ra trường) đang có xu hướng đi học luật sư khá sớm. Nhưng nếu xét về độ tuổi trung bình bắt đầu đi học luật sư thì mình thấy khá cao. Nếu xét trong lớp học của mình thì phần lớn là các anh chị đã đi làm từ 5 - 7 năm rồi mới bắt đầu đi học luật sư.
Nhìn chung, sau khi tham khảo một số ý kiến của các anh chị đi trước, các sếp của mình thì việc có chứng chỉ luật sư là một điểm cộng tuy nhiên không nói lên quá nhiều về năng lực của một người. Do đó, các bạn cứ thoải mái với quyết định của mình, cân nhắc phù hợp chứ không cần quá nóng vội, gấp gáp đi học để "bằng bạn bằng bè" đâu nha.
II. Muốn đăng ký học luật sư thì như thế nào?
Sau khi cảm thấy việc học Luật sư là phù hợp và cần thiết, các bạn có thể lựa chọn việc học các khóa Luật sư tại các địa điểm khác nhau phù hợp với thời gian làm việc, địa điểm làm việc, khả năng tài chính của bản thân.
Đối với chương tình đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp thực hiện giảng dạy tại Hà Nội, Hồ Chí Minh và có thêm hệ liên kết đào tạo tại các địa phương khác (cái này thì mình chỉ nghe chứ không rõ lắm, nếu bạn không thể học tại HN hay HCM thì có thể liên hệ với trường để tìm hiểu thêm ạ).
Theo mình được biết thì HVTP đang đào tạo 3 chương trình luật sư khác nhau bao gồm:
(i) Lớp đào tạo nghề luật sư;
(ii) Lớp đào tạo luật sư thương mại quốc tế;
(iii) Lớp đào tại Luật sư chất lượng cao;
Thời gian học: (i) Ban ngày trong tuần; (ii) Buổi tối trong tuần; hoặc (iii) Thứ bảy, chủ nhật.
Bước 1: Xác định khóa học và thời gian bạn muốn theo học
(Mình học Lớp đào tạo nghề Luật sư tại Hà Nội vào Thứ bảy và chủ nhật.)
Bước 2: Đợi thông báo tuyển sinh của Học viện Tư pháp (sẽ được thông báo trên trang web của trường).
Thông thường, đối với khóa học nghề luật sư, học viện tư pháp sẽ tuyển sinh từ 2 - 3 đợt (1 đợt tháng 7, 1 đợt tháng 12 và 1 đợt tháng 3 dương lịch). Điều cần lưu ý là không phải khóa học nào cũng sẽ mở lớp vào thời gian bạn muốn học (Có thể chỉ mở lớp buổi tối mà không mở lớp cuối tuần). Do đó, cần đọc ký thông báo để đăng ký học cho phù hợp nha.
Ví dụ: đây là thông báo tuyển sinh của khóa 23: http://hocvientuphap.edu.vn/daotao/Pages/thong-bao-tuyen-sinh.aspx?ItemID=1564
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký học
Tùy theo thông báo tuyển sinh của từng chương trình đào tạo khác nhau mà các bạn cần chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ khác nhau (chi tiết trong phần thông báo tuyển sinh của mỗi năm).
Điểm mới là trước đây cần lên trường để mua hồ sơ, nhưng hiện tại thì nhà trường đã cho sử dụng mẫu tự in nên tiện hơn rất nhiều (mà cũng không phải mua nhiều bộ để tránh ghi sai).
Bước 4: Nộp hồ sơ
Hồ sơ cần nộp tại Học viện Tư pháp (có thể nhờ nộp hộ được) + nộp kèm phí xét tuyển hồ sơ.
Những bạn muốn học cùng lớp với nhau thì khi nộp hồ sơ có thể nộp cùng nhau và note với người nhận hồ sơ là các bạn muốn học cùng lớp để được ưu tiên xếp lớp nhé.
Bước 5: Thi các kỳ thi đầu vào (nếu có)
Với lớp Luật sư thương mại quốc tế và Luật sư chất lượng cao thì các bạn cần thi các kỳ thi đầu vào ạ. Với lớp đào tạo nghề luật sư thì hiện tại không phải thi đầu vào mà chỉ xét tuyển hồ sơ mà thôi.
Bước 6: Đợi thông báo nhập học
Thông báo nhập học sẽ được gửi về qua dường bưu điện và gửi qua email mà các bạn đã ghi trong hồ sơ đăng ký học.
Vẫn có những trường hợp không nhận được thông báo qua đường bưu điện thì không phải lo đâu nha, chỉ cần có tên trong danh sách nhập học, được xếp lớp là các bạn cứ đi nhập học thoải mái thôi.
Khi có thông báo nhập học thì các bạn chỉ cần follow theo thông báo để đi nộp học phí và đi học theo chương trình được trường sắp xếp thôi nè.
Tổng thời gian: từ lúc có thông báo tuyển sinh đến lúc có thông báo nhập học sẽ giao động khoảng 2 tháng (có thể dài hơn nếu số lượng đăng ký học không đủ để mở lớp).
Cùng đợi các part sau để hiểu hơn về quá trình học Luật sư tại Học viện Tư pháp nhé.
7 nhận xét
Mong chị cập nhật nhiều thông tin hơn ạ. Cảm ơn chị rất nhiều vì đã chia sẻ kiến thức này
Trả lờiXóaCho em hỏi hoc luật sư có cần nâng chứng chỉ tiếng anh cao hơn so với đai học không vây Chị? Mong chị giải đáp giúp em.
XóaXin cảm ơn chị!
Trả lờiXóaCảm ơn bạn
Trả lờiXóaChị ơi chị ra tiếp phần 2 đi ạ, học phí đóng mấy lần rồi khoảng thời gian nào vậy ạ, học luật sư có cần tìm cty luật/ văn phòng luật để thực tập như hồi sinh viên không ạ? Em cảm ơn chị ạ.
Trả lờiXóaCảm ơn Chị thật nhiều, với những chia sẻ rất chi tiết và hữu ích ạ.
Trả lờiXóaCó cách nào kết nối thêm với Chị như theo dõi thêm Chị qua zalo hay youtube không ạ!?Em cảm ơn ạ.
Chị ơi ra phần tiếp theo đi chị ơiii. Em chờ chị mòn mỏi áaaa. Học luật sư có cần tìm cty luật/ văn phòng luật để thực tập như hồi sinh viên không ạ? Em cảm ơn chị ạ.
Trả lờiXóa