Kinh nghiệm viết khóa luận tốt nghiệp tại Trường Đại học Luật Hà Nội (HLU)

by - 20:27:00

Khóa luận tốt nghiệp tại Trường Đại học Luật Hà Nội có thể gọi đơn giản là một môn học 10 tín chỉ. Vì mình viết bài này sau một khoảng thời gian khá lâu sau khi tốt nghiệp nên bài viết này của mình sẽ không được chi tiết lắm.



I. Những lý do nên viết khóa luận tốt nghiệp:
- Điểm cao: Điểm khóa luận của trường mình tương đối cao, thường là từ 9 trở lên, và rất ít trường hợp dưới 9 (từ K39 trở về trước). Cùng với đó là số lượng tương ứng 10 tín chỉ, nên nếu được A+ môn này thì GPA của các em sẽ được kéo lên khá nhiều.
- Có thời gian rảnh: Thời gian để các em viết khóa luận là khoảng 4 tháng. Trong thời gian này, các em sẽ được viết ở nhà và có full thời gian để đi thực tập/ đi làm/ làm gì đó mà các em thích.

II. Quá trình viết khóa luận tốt nghiệp
Viết khóa luận được chia ra làm 3 giai đoạn chính như sau:
1. Đăng ký khóa luận
B1: Sau khi học gần đủ tín chỉ, và chỉ còn 1 kỳ học nữa, các em sẽ được thông báo có đợt viết khóa luận (nên không cần nóng vội làm gì). Lúc ấy, các em sẽ được cân nhắc lựa chọn giữa việc viết khóa luận hoặc học thêm vài môn nữa cho đủ số tín chỉ ra trường. Và như đã nêu lý do ở trên, các em nên viết khóa luận.

B2: Thời gian này nhà trường sẽ liên tục cập nhật các thông tin về việc đăng ký viết khóa luận như: điều kiện để được viết khóa luận, danh sách các sinh viên đủ điều kiện viết khóa luận (cái này các em cứ tra trong quy chế là biết ngay mình có đủ điều kiện hay không), thời gian đăng ký viết khóa luận trên trang đăng ký học,....

B3: Các em có thể nhờ giảng viên trước để chắc chắn thầy cô ấy sẽ hướng dẫn cho mình (và tip là nên nhờ giáo viên chủ nhiệm nếu các em không quen biết nhiều thầy cô, và muốn được điểm cao). Còn nếu không quan trọng việc ai sẽ hướng dẫn thì các em cứ đăng ký trên trang đăng ký học rồi khoa sẽ tự phân giáo viên hướng dẫn cho các em.

B4: Sau khi đã đăng ký xong và được phân giảng viên hướng dẫn ("Giảng Viên"), Khoa sẽ công bố danh sách đề tài của bộ môn đó. Và các em sẽ lên khoa để đăng ký đề tài. Các em nên chọn sẵn vài đề tài, thay vì 1, bởi nếu đã có bạn khác chọn và đăng ký đề tài đó thì các em sẽ không được chọn trùng nữa.

2. Viết khóa luận
Sau khi đã đăng ký xong đề tài và có Giảng Viên, các em sẽ có khoảng 3 tháng để viết khóa luận. Thường thì mình không thích viết kiểu nay một tý, mai một tý, nên cá nhân mình chỉ tập trung viết trong vòng 1 tháng, cụ thể chia ra như sau:

Tuần 1: Đọc qua về lĩnh vực liên quan đến khóa luận, lên dàn ý và nhờ Giảng Viên góp ý, chỉnh sửa. Lưu ý rằng, dù dàn ý vẫn chưa được hoàn thiện, đúng ý giảng viên 100%, thì các em cũng nên dừng lại và chuyển sang bước tiếp theo, vì dàn ý có thể vừa viết, vừa sửa được. Và khi các em đọc nhiều tại liệu hơn, bắt đầu viết cụ thể hơn thì các em sẽ có định hướng để thay đổi bố cục cho hợp lý hơn.

Tuần 2 + Tuần 3: Bắt đầu lao vào tìm (có thể xin Giảng Viên) và đọc tài liệu điên cuồng, vừa đọc vừa viết. Không cần viết hoàn chỉnh luôn mà các em có thể vừa viết phần này, vừa viết phần kia theo bố cục chiều dọc. Ví dụ: Viết về phần hạn chế của chương 3, có thể viết song song luôn giải pháp để khắc phục hạn chế đó ở chương 4.

Tuần 4: Sau khi có một bài tương đối hoàn thiện, thì các em gửi cho Giảng Viên để nhờ Giảng Viên góp ý. Có thể các em sẽ cần sửa vài lần nên tuần này có thể kéo dài hơn.

3. Nộp và bảo vệ khóa luận
Sau khi đã hoàn thiện bài khóa luận, các em cần in ra số bộ với hình thức đúng như yêu cầu (cái này trường mình có văn bản quy định cụ thể. Sau đó mang lên văn phòng khoa, xin chữ ký Giảng Viên và nộp lên văn phòng khoa.
Vì năm chị không phải bảo vệ tước hội đồng, nên rất tiếc c không thể chia sẻ gì về phần này.

III. Một số câu hỏi thường gặp khi viết khóa luận
1. Vấn đề cảm ơn Giảng Viên: có nhưng nhìn chung các thầy cô trường mình không quá quan trọng phần này, và mang đúng tính chất cảm ơn (nên các em không cần phải lo lắng tài chính lắm)
2. Tips để điểm cao: Khóa luận tương tự một bài tập lớn mà các em hay làm, nhưng với quy mô và yêu cầu độ chi tiết, công sức bỏ ra nhiều hơn. Nên nếu cần tips gì thì các em có thể đọc lại những bài viết của chị về cách đạt điểm cao BTL
3. Nên liên hệ với Giảng Viên như nào:
- Gửi bài qua mail
- Nhắn Giảng Viên qua điện thoại
- Gặp Giảng Viên trực tiếp để cảm ơn
- Nhớ nhắn chúc mừng thầy cô các dịp như tết, 8/3,...
4. Cân bằng giữa việc đi thực tập/ đi làm và việc viết khóa luận:
Các em có thể tranh thủ thời gian buổi tối hoặc lúc rảnh rỗi tại nơi làm việc để viết. Chủ động xin Leader giảm bớt khối lượng công việc trong Tuần 2 và Tuần 3 để có nhiều thời gian viết hơn. 1 - 2 ngày cuối cần hoàn thiện khóa luận, nếu quá gấp và cần sự tập trung thì có thể xin nghỉ.
5. Đã đăng ký thực tập theo chương trình của nhà trường thì có được viết khóa luận không: tất nhiên là được nếu các em đủ điều kiện về mặt điểm số, chị là người vừa đăng ký thực tập vừa đăng ký khóa luận đây.

Các bạn có thể tham khảo khóa luận tốt nghiệp của mình tại bài này: Khóa luận tốt nghiệp 9,6 điểm lĩnh vực đất đai

You May Also Like

6 nhận xét

  1. chị ơi, em hỏi vài ý, chị giải đáp hộ em với.
    1. Sao chị tại chọn viết đất đai trong khi chị học LKT vậy ạ? vì em thấy môn này khó và ít người chọn, bên LKT thì lại ít hơn vì đất đai chỉ học 5 tuần
    2. Chị có liên hệ trước GV để nhờ hướng dẫn không hay theo nhà trường sắp xếp ạ?
    3. Chị có gợi ý gì về việc chọn môn viết khóa luận không ạ? Vì em sắp đăng ký mà không biết nên viết môn nào cả.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi em,
      1. Khóa luận của chị cụ thể thì thuộc môn Luật kinh doanh bất động sản (cũng 5 tuần) thì sẽ chính xác hơn. Lý do chị chọn một lĩnh vực này đơn giản vì: (i) cô chủ nhiệm của lớp chị ở tổ bộ môn đất đai và (ii) Hồi đó chị đi thực tập tại một tập đoàn về bất động sản nên việc xin thông tin, số liệu trong ngành này là dễ hơn.
      2. Chị có liên hệ cô chủ nhiệm của chị trước để nhờ hướng dẫn đó, vì chị không quen nhiều giảng viên trong trường. Nên dù sao nhờ cô chủ nhiệm cũng dễ trao đổi hơn. Giảng viên do nhà trường sắp xếp thì đôi khi sẽ có cả một vài giảng viên của trường khác nữa em ạ, nên việc trao đổi hay chạy qua chạy lại xin chữ ký, tài liệu cũng khó hơn.
      3. Cái này thì em cứ mạnh mảng nào, nhiều tài liệu và kiến thức của mảng nào thì viết mảng đó thôi e :D Lâu rồi chị cũng không biết xu hướng viết khóa luận của trường mình có thay đổi không. Vài năm trước thì lĩnh vực lao động rất "hot", điểm cao và luôn hết slot đăng ký giảng viên từ những ngày đầu tiên luôn nha.

      Xóa
    2. Hi chị Hường,
      Cảm ơn chị đã dành thời gian giải đáp thắc mắc hộ em. Em tiếc quá vì không chủ động nhờ cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn khóa luận cho mình, cuối cùng em được GV trường ngoài hướng dẫn nên chắc là sẽ vất vả hơn (;

      Em hỏi ngoài lề chút, bây giờ chị đang làm việc ở mảng nào ạ? (chuyên viên tư vấn mảng nào hay bên pháp chế ạ)

      Xóa
    3. Ra trường thì chị đi làm firm mảng đầu tư, hàng không, lao động, bla bla. Còn hiện tại chị mới chuyển sang pháp chế được nửa năm thui.

      Xóa
  2. Em cảm thấy rất may mắn khi đọc được các bài viết của chị. Những kiến thức và kinh nghiệm chị chia sẻ không chỉ có ích mà nó còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến em. Kết quả học tập của em không được tốt và em thường xuyên nghi ngờ về khả năng của bản thân mình nhưng khi em đọc được các bài viết của chị, cách chị làm cách chị học em mới thấy em nhỏ bé và chưa thực sự cố gắng để thay đổi. Thực sự cảm ơn chị<3

    Trả lờiXóa
  3. CHị ơi cho em hỏi, môn luật đất đai k có trang bộ môn trên face thì mình cập nhật thông tin, xem danh sách đề tài khoá luận ở đâu vậy ạ

    Trả lờiXóa