Luật sở hữu trí tuệ về so sánh nhãn hiệu có hành vi xâm phạm quyền SHTT - 8 điểm

by - 20:54:00


MỞ ĐẦU

Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của WTO sau hơn mười năm đàm phán, quá trình hội nhập với cộng đồng thương mại toàn cầu đã diễn ra gần một thập kỷ. Cùng với bước tiến quan trọng đó, vấn đề về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bảo hộ nhãn hiệu nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp. Câu chuyện về nhãn hiệu bút bi Thiên Long bị vi phạm ở Trung Quốc, Cafe Trung Nguyên bị, hay ngay cả tổng công ty có quy mô lớn nhất Việt Nam là Petro Việt Nam cũng có nguycow bị tước đoạt nhãn hiệu trên thị trường của mình vì không có sự chú trọng đầy đủ tới việc bảo hộ nhãn hiệu. Thực tế cho thấy rằng, trong hoạt động thương mại, doanh nghiệp không chỉ cần chú trọng đến khâu sản xuất, mở rộng thị trường mà còn phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề bảo hộ nhãn hiệu. Vì vậy, tác giả xin lựa chọn đề bài về vấn đề bảo hộ nhãn hiệu để triển khai trong bài tiểu luận của mình.
Tình huống: “Công ty Pepsi Co, Inc là chủ sở  hữu nhãn hiệu “AQUAFINA và hình” ( số văn bằng 99173 ) cho các sản phẩm thuộc nhóm 32 và kiểu dáng công nghiệp “chai” ( số văn bằng 5238). Công ty Pepsi Co, Inc phát hiện trên thị trường có sản phẩm nước đóng chai mang nhãn hiệu “AQUARIA và hình” do Công ty cổ phần chế biến thực phẩm và nước giải khát Việt Hưng sản xuất và đưa ra thị trường.
Với tư cách là đại diện theo ủy quyền của công ty Pepsi Co, Inc trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, hãy soạn công văn cùng các tài liệu kèm theo ( nếu có ) gửi Thanh tra bộ Khoa học và Công nghệ để đề nghị xử lý vi phạm của  Công ty cổ phần chế biến thực phẩm và nước giải khát Việt Hưng. ( Lưu ý: cần cung cấp đầy đủ những thông tin, tài liệu, chứng cứ,... để chứng minh hành vi xâm phạm cũng như đưa ra các đề xuất cụ thể về việc xử lý để bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho khách hàng của mình ).



NỘI DUNG

I) Cơ sở lý luận về bảo hộ nhãn hiệu
1. Khái niệm
Theo Luật SHTT Việt Nam năm 2005, khái niệm nhãn hiệu được quy định tại điều 4 như sau: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”
2. Chức năng của nhãn hiệu:
- Chức năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ
- Chức năng thông tin về nguồn gốc hàng hóa dịch vụ
- Chức năng thông tin về sản phẩm
- Chức năng thông tin về triển vọng của sản phẩm trên thị trường
3. Các điều kiện để nhãn hiệu được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam:
Không phải dấu hiệu bất kỳ nào cũng được đăng ký bảo hộ là nhãn hiệu mà phải đáp ứng được các yêu cầu bảo hộ theo quy định của pháp luật:
“Điều 72. Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ
Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
2. Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.”
Như vậy, có thể thấy những dấu hiệu có thể được bảo hộ là nhãn hiệu ở Việt Nam bị hạn chế so với quy định pháp luật thế giới. Pháp luật nhiều nước trên thế giới đã thừa nhận các yếu tố hiện đại được bảo hộ là nhãn hiệu như âm thanh, mùi vị,... : Liên minh châu Âu cho phép đăng ký nhãn hiệu mùi cỏ tươi mới cát cho bóng tennis, Mỹ cho phép Metro-Goldwin-Mayer Lion corporation đăng ký dấu hiệu âm thanh PRELUDE cho các nhóm mặt hàng thiết bị chăm sóc sức khỏe , máy ghi âm, ghi hình, máy bán hàng tự động,...  Nhưng tại Việt Nam, các dấu hiệu âm thanh, mùi vị, hương thơm,... chưa được công nhận là dấu hiệu bảo hộ là nhãn hiệu trong pháp luật Việt Nam. 
3.1 Điều kiện về dấu hiệu
+ Dấu hiệu phải nhìn thấy được: nghĩa là con người có thể cảm nhận được, nắm bắt được qua khả năng thị giác.
+ Các dấu hiệu cấu thành nhãn hiệu theo quy định cụ thế tại Luật SHTT, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật SHTT và thông tư số 01/2007/BKHCN bao gồm:
- Dấu hiệu là chữ cái, chữ số:
- Dấu hiệu từ ngữ
- Dấu hiệu hình vẽ
- Dấu hiệu hình ảnh, kể cả hình ảnh ba chiều
- Dấu hiệu kết hợp các yếu tố trên
Một số dấu hiệu đặc biệt không được bảo hộ làm nhãn hiệu theo quy định của pháp luật Việt Nam như: Màu sắc đơn lẻ; Các dấu hiệu tính giác; Các dấu hiệu khứu giác; Các dấu hiệu khác ( ví dụ: dấu hiệu xúc giác,...)
3.2 Điều kiện về khả năng phân biệt:
- Yêu cầu về khả năng tự phân biệt của nhãn hiệu: là khi nhãn hiệu đó giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng hóa dịch vụ của một chủ thể kinh doanh với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác. Nhãn hiệu không có khả năng phân biệt nều thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 điều 74. ( xem thêm phụ lục 3)
- Nhãn hiệu không trùng hay tương tự gây nhầm lẫn với các đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của người khác . Các tiêu chí đánh giá quy định tại điểm 39.8 và 39.9 Thông tư 01/2007/ BKHCN

4. Dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu ( điều 73 Luật SHTT )
- Trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với một số dấu hiệu 
- Các dấu hiệu làm sai lệch gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.

II)   Giải quyết vấn đề xâm phạm nhãn hiệu trong tình huống:
          Đơn gửi Thanh tra bộ Khoa học và Công nghệ để đề nghị xử lý vi phạm của Công ty cổ phần chế biến thực phẩm và nước giải khát Việt Hưng:

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày.........., tháng..........., năm..........

ĐƠN ĐỀ NGHỊ XỬ LÝ VI PHẠM
Kính gửi: Thanh tra bộ Khoa học và Công Nghệ
Số 113, đường Trần Duy Hưng, Quận Cầu Giấy - Hà Nội
Dấu xác nhận đơn

Tổ chức, cá nhân bị xâm phạm:
Tổ chức, cá nhân : Công ty Pepsi Co, Inc
Địa chỉ                 : 700 Anderson Hill Road, Puchase New York 10577, USA
Trụ sở tại Việt Nam: Lầu 5, Cao ốc Sheraton, Số 88 Đồng Khởi, Quận 1, TP.                                                     Hồ Chí Minh
Điện thoại            : 08.38219437            -             Fax: 08.38219436
Website, Email    : Website: www.suntorypepsico.vn

Đối tượng bị xâm phạm:
Nhãn hiệu: “AQUAFINA và hình”
Đã được cấp văn bằng bảo hộ số 99173

Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm:
Tổ chức, cá nhân  : Công ty cổ phần chế biến thực phẩm và nước giải khát Việt Hưng
Địa chỉ                  :.........................................................................
Đối tượng xâm phạm:
Nhãn hiệu: AQUARIA và hình

Biện pháp yêu cầu xử lý:
+ Trong thời gian xác nhận hành vi xâm phạm, yêu cầu công ty Việt Hưng ngừng mọi hoạt động sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm mang nhãn hiệu “AQUARIA và hình” trên thị trường
+ Đối với đối tượng vi phạm: Khi đã xác nhận có hành vi xâm phạm, đề nghị loại bỏ nhãn hiệu “AQUARIA và hình”, thu hồi và xử lý tất cả các sản phẩm có gắn yếu tố vi phạm.
+ Đối với chủ thể vi phạm: Xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần chế biến thực phẩm và nước giải khát Việt Hưng về hành vi xâm phạm

                                                          Đại diện theo ủy quyền của chủ đơn
                                                                             Ls. Nguyễn Văn A
                                                                  
         
TÀI LIỆU CHỨNG MINH HÀNH VI XÂM PHẠM
1. Về mặt tổng quan nhãn hiệu:
          - Về mặt bố cục: hai nhãn hiệu đều trình bày dưới dạng dòng chữ cách điệu chạy ngang thân nhãn hiệu, chữ nằm trên phần hình. Cả hai nhãn hiệu đều sử dụng chữ trắng trên nền xanh, ba màu sắc chủ đạo trong hai nhãn hiệu đều là trắng, xanh da trời, đỏ. ( xem thêm phụ lục 1)
          - Về phần chính trong nhãn hiệu: Hai nhãn hiệu đều được đăng ký dưới dạng “chữ và hình”, lại đều cùng đăng ký cho mặt hàng là nước tinh khiết. Xét trên phương diện của người tiêu dùng, với rất nhiều thương hiệu nước khoáng cùng sử dụng hình ảnh chung, tương tự để quảng bá như thế, khi nhìn vào hai nhãn hiệu “AQUAFINA và hình” và “AQUARIA và hình” sẽ không ấn tượng về phần hình trong hai nhãn hiệu. Vì vậy, dấu hiệu hình đóng vai trò phần yếu và dấu hiệu chữ trong nhãn hiệu đóng vai trò phần mạnh trong việc tác động trực tiếp vào nhận thức của người tiêu dùng, gây cho họ sự chú ý và ấn tượng khi quan sát nhãn hiệu.
2.     Về mặt dấu hiệu hình:
          Phần hình trong nhãn hiệu “AQUARIA và hình” sử dụng hình ảnh dãy núi tương tự như hình ảnh dãy núi được cách điệu trong nhãn hiệu “AQUAFINA và hình”.
          Phần hình trong nhãn hiệu “AQUARIA và hình” sử dụng hình ảnh dải đỏ cách điệu, cùng đặt dưới dòng chữ lớn tương tự như dải đỏ trong nhãn hiệu “AQUAFINA và hình”, vì vậy có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
          Hơn nữa, như đã phân tích ở phần 1 về tổng quan nhãn hiệu, dấu hiệu hình đối với các loại nước tinh khiết thường không có nhiều giá trị trong việc phân biệt nhãn hiệu đố với người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ không để ý sự khác biệt rất nhỏ được kể trên, vì vậy, hoàn toàn có khả năng gây nhầm lẫn.
3.     Về mặt dấu hiệu chữ
          Sự tương tự giữa hai phần chữ “AQUAFINA” và “AQUARIA”:
-       Về cấu tạo: nhãn hiệu “AQUAFINA” và “AQUARIA” có số lượng chữ cái nhiều, gần như nhau ( 8 và 7 ), giống nhau đến 6 chữ cái. Đặc biệt, 4 chữ cái đầu hoàn toàn giống nhau, mà thông thường, đối với từ, người tiêu dùng thường có ấn tượng về những chữ cái đầu nhiều hơn.
-       Về cách phát âm được sử dụng trong thương mại của hai sản phẩm    thì 4 nguyên âm của hai từ đều giống nhau (a/a/i/a), cách phát âm cũng rất tương tự.
-       Về cách trình bày : hai chữ được cách điệu dưới hai phông chữ gần như nhau, đồng thời, hai chữ A ở cuối và đầu từ đều được viết cao hơn các chữ khác., chữ Q đều được cách điệu phần móc dài qua chữ A ( trong ký tự “QUA” )
-       Về ý nghĩa: hai từ đều khiến người ta liên tưởng đến nước ( vì trong tiếng Anh, aqua nghĩa là nước )
           Hơn nữa, người tiêu dùng với một mức độ quan sát vừa phải, không có cơ hộ so sánh trực tiếp hai nhãn hiệu trong thế đối sánh sẽ rất khó để nhận biết và ghi nhớ sự khác nhau này. Như vậy, sự tương tự lớn trong phần chữ của hai nhãn hiệu, chắc chắn sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
          4. Phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu “AQUAFINA và hình”:
          Nhãn hiệu “AQUAFINA và hình” theo đăng ký số  99173 nhóm 32: Bia; nước khoáng, nước ga và các loại đồ uống không có cồn; đồ uống hoa quả và nước ép hoa quả; xi-rô và các chế phẩm khác để làm đồ uống.
          Như vậy sản phẩm “AQUARIA và hình” đã trùng về bản chất, chức năng, công dụng và có cùng thị trường tiêu thụ với hàng hóa thuộc phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu “AQUAFINA và hình”.
          5. Cơ chế bảo hộ cho nhãn hiệu nổi tiếng:
          Nhãn hiệu AQUAFINA là nhãn hiệu nổi tiếng thế giới, được sử dụng rộng rãi và biết đến tại nhiều quốc gia, và được đánh giá là một trong ba nhãn hiệu nước đóng chai bán chạy nhất thế giới ( gồm có Aquafina của PepsiCo, Dasani của Coca-Cola và Pure Life của Nestle ).

          III) Các biện pháp xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho công ty Pepsi Co, Inc:
·        Gửi thư cảnh cáo đến bên bị nghi ngờ thực hiện hành vi phạm và yêu cầu họ:
- Ngừng ngay lập tức việc thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
- Thu hồi các hàng hóa đã được lưu thông trên thị trường có dấu hiệu xâm phạm;
- Tiêu hủy sản phẩm hoặc nhãn mác có dấu hiệu xâm phạm
·        Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật: gửi đơn yêu cầu xử lý vi phạm tới thanh tra bộ Khoa học và Công nghệ ( như trên )
·        Kiện công ty cổ phần chế biến thực phẩm và nước giải khát Việt Hưng về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp ra tòa án có thẩm quyền.
·        Yêu cầu bồi thường do đã có hành vi xâm phạm nhãn hiệu, yêu cầu bồi thường thiệt hại ( nếu có ) )

IV) Một số phương hướng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu
          Hoàn thiện các yếu tố, tiêu chuẩn cụ thể để xác định và đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu: Mặc dù đã có những quy định của Luật SHTT và một số văn bản hướng dẫn, nhưng tiêu chuẩn “thế nào là hai nhãn hiệu tương tự đến mức có khả năng gây nhầm lẫn” vẫn còn rất nhiều tranh cãi, ý kiến không nhất quán. Vì vậy để tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng nhận biết và đảm bảo tính chính xác trong việc đăng ký các nhãn hiệu của chủ thể, việc xây dựng cụ thể hệ thống các yếu tố, cách thức đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu là rất cần thiết.
          Đảm bảo tính thống nhất trong việc đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu giữa các cơ quan có thẩm quyền: cần nâng cao hiều biết pháp lý cho các cá nhân có thẩm quyền như thanh tra chuyên ngành Khoa học và Công nghệ, Cơ quản quản lý thị trường, Hải quan, thẩm phán Tòa án nhân dân có chức năng giải quyết các vụ việc liên quan đến nhãn hiệu. Cần phân công lại chức năng, quyền hạn của từng cơ quan để tránh tình trạng chồng chéo. Từ đó giúp hạn chế những kết luận bất đồng của các cơ quan về khả năng phân biệt của nhãn hiệu.
          Nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng thông qua các hoạt động marketing, quảng bá nhãn hiệu, tổ chức các hội chợ hàng hóa giúp người tiêu dùng phân biệt được các sản phẩm chính hãng với hàng nhái, hàng kém chất lượng.

KẾT LUẬN


          Vấn đề về bảo hộ nhãn hiệu vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn do sự phát triển phức tạp của nền kinh tế, môi trường kinh doanh khốc liệt cũng như sự hạn chế trong các quy phạm pháp luật. Để nền kinh tế Việt Nam có thể hội nhập nhanh hơn với thế giới, để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người tiêu dùng, chắc chắn sẽ còn rất nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp và cơ quan chức năng trong vấn đề bảo hộ nhãn hiệu nói riêng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung.

You May Also Like

0 nhận xét