Bí kíp sống sót qua mùa thi ở HLU (Phần 2: Thi viết và chuyện chấm random)
Câu chuyện hôm nay chính là việc thi viết
ở trường Luật Hà Nội. Tỷ lệ các môn thi viết chiếm khoảng 60% đến 70% các môn.
Thường thì thi vấn đáp chỉ đến năm hai hoặc năm ba là sẽ kết thúc (với khoa
luật kinh tế k39 thì chỉ thi vấn đáp hết năm hai), và mỗi kỳ chỉ thi 1 đến 2
môn vấn đáp thôi nên còn lại là sẽ thi viết. Có một sự thật phải công nhận đối
với các môn thi viết đó là: kết quả đôi khi rất ăn may và khó hiểu. Cá nhân
mình thấy việc thi viết không đánh giá đúng năng lực của sinh viên lắm và điểm
thì đôi khi như dở hơi. Môn nào ôn kỹ, học hành tanh tưởi, nhắc bài tùm lum rồi
điểm thấp là bình thường. Môn nào không học hành gì, vào chém gió thần sầu rồi
điểm 8, 9 cũng là chuyện không hiếm gặp.
Và thêm một điều nữa, sự thật là việc chấm
điểm random đối với bài thi viết là có thật. Kiểu chỉ xem xem bài có dài không,
chữ có đẹp không rồi cho điểm là có. Việc rút bừa vài bài ra chấm rồi các bài
còn lại "đồng giá" là cũng có. Chuyện nhìn điểm kiểm tra cá nhân sau
đó cho điểm theo cảm tính là cũng có. Tất nhiên đây chỉ là số ít, rất ít. Về cơ
bản mình vẫn đặt niềm tin và thực sự rằng hầu hết thầy cô trường mình chấm bài
rất có tâm. Nhưng không biết kiểu chấm nào mới đem lại niềm vui cho sinh viên
nữa =))))).
I) Các dạng câu hỏi trong đề thi viết:
Đề thi viết điển hình của HLU là:
1. Câu hỏi lý thuyết
2. Câu hỏi bán trắc nhiệm
3. Bài tập tình huống
Hầu hết các môn đều thi như vậy. Với môn 2
tín chỉ thì thường không có câu lý thuyết.
II) Tip trả lời câu lý thuyết:
Câu này thường là phải học thuộc, nếu có
trong luật thì tư duy rồi chém ra cũng ok. Nói chung câu này thường là câu ám
ảnh nhất với mình vì mình rất kém học thuộc (không kbiết trước đây mình đã sống
qua 7 năm chuyên văn như thế nào nữa).
Cũng không có bí quyết gì nhiều, chỉ có
vài điểm cần lưu ý:
- Học đi nếu có thể =))))
- So sánh là chỉ ra giống và khác nhau.
Phân biệt là chỉ ra điểm đặc trưng và điểm khác nhau.
- Có thể viết gạch đầu dòng, miễn là mạch
lạc dễ đọc, dễ hiểu. Không cần hoa bay bướm lượn nhiều.
Chốt: hãy
trình bày một cách khoa học, làm sao mà nhìn vào là thấy các ý chính luôn.
Thầy cô không thể đọc kỹ và tự tìm ra ý trong mớ lộn xộn các chế viết đâu. Nên
nhát định phải viết dễ hiểu vào, ý chính đập bộp bộp vào mắt luôn ấy.
II) Tips trả lời câu bán trắc nhiệm
1. Tỷ lệ đáp án "sai" thường nhiều hơn đúng
2. Câu nào mà hỏi "trong mọi trường hợp"
thì 99% là sai (nói chung
pháp luật luôn có trường hợp ngoại lệ, kiểu vậy đấy)
3. Bố
cục trả lời một câu BTN như
sau (đây chỉ là cách trả lời của mình thôi, các chế tham khảo thôi nhé):
+
B1: Nêu khẳng định đó là Đ/S
+ B2:
Giải thích qua qua câu nói nếu khẳng định chưa thực sự rõ ràng, có những
từ ngữ cần cụ thể hóa.
+ B3:
Nêu căn cứ pháp lý mà mình sử dụng để giải thích. (nêu cụ thể điểm, điều,
khoản, luật nào). Nếu câu nào không có căn cứ pháp luật cụ thể thì nêu đại loại
"Khoa học pháp luật về .... cho rằng", "Thực tiễn nghiên cứu
pháp luật .... cho thấy".
+ B4:
Trích phần nội dung luật mà mình sử dụng (chỉ trích đoạn hoặc câu mà nhắm trúng
vào nội dung giải thích, không nên trích cả điều luật ra làm gì. Nếu có phải
trích cả thì có thể diễn giải luật ra theo các gạch đầu dòng, các trường hợp
sao cho dễ hiểu. Nói chung ngăn cấm hành động trích hơn chục dòng luật ra,
tuyệt đối cấm!!!!!). Hãy trích sao cho thể hiện mình hiểu điều luật đó và nhắm
trúng vào nội dung liên quan đến khẳng định đã cho nhé.
+ B5:
Giải thích vì sao so với nội dung luật vừa trích kia thì khẳng định đã cho là
Đ/S (giải thích bằng ý hiểu của mình, không cần dài dòng đâu).
+ B6:
Lấy ví dụ minh họa (cái này nếu có thể lấy được ví dụ thì tốt, không nghĩ ra
thì thôi, đừng lấy ví dụ bừa mà bản thân không chắc chắn). Ví dụ ngắn gọn, viết
khoảng 2 đến 4 dòng thôi nhé vì nội dung chính là B3, B4 và B5 cơ.
Đấy, mình thường trả lời các câu BTN theo
cấu trúc trên (đôi khi không có B2 và B6). áp dụng với tất cả các câu BTN được
nhé, kể cả kiểm tra cá nhân hay đi thi cuối kỳ.
4. Brand
điểm thường là: kết luận được
khẳng định đúng hay sai được 1/2 điểm và phần giải thích được 1/2 điểm nhé. Nên
việc xác định khẳng định là Đ/S quan trọng lắm đó mấy mế. =))
5. Hãy trả lời rõ ràng và đi thẳng vào vấn
đề. Còn nếu không biết trả lời thế nào thì viết càng dài càng tốt =))) Giả vờ xuống dòng, cách đoạn các kiểu cho có vẻ mạch lạc =)))).
Cách này chế vẫn hay làm và hiệu quả lắm. =)))))
III) Tips làm câu hỏi tình huống:
Câu hỏi tình huống thì muôn hình vạn
trạng. Câu hỏi này thực sự đòi hỏi phải đọc luật và tìm được quy định của pháp
luật. Với từng môn thì cách trình bày và trả lời lại khác nhau, nên khi học
trên lớp hãy xin thầy cô cho
bài tập tình huống càng nhiều
càng tốt. Và nói chung bài tập tình huống chỉ có vài dạng cơ bản nhất định nên ôn cũng dễ thôi, quan trọng là tư
duy khi giải quyết tình huống.
Cá nhân mình hay phân tích đề bài theo dạng Input -
Output. Đặc trưng ngành luật đó là Input không chỉ có trong đề mà còn cần
tìm Input trong luật nữa. Với mỗi dữ kiện đưa ra hãy tìm hiểu nó liên quan đến
quy định nào, nếu thay đổi dữ kiện đó thì cách giải quyết có khác đi không (nếu
không khác đi thì đó là dữ kiện thừa, gây nhiễu mà thôi).
IV) Lưu ý chung để được điểm cao hơn:
1. Hãy chắc chắn làm đầy đủ hết các câu, các phần. Đừng vì quá tâm
huyết làm một câu nào đó mà bỏ dở hay không làm một câu, một ý khác. Đừng hi
vọng vì một câu làm xuất sắc mà thầy cô sẽ nghĩ đứa này học tốt mà cho điểm cao
(chỉ chấm nâng đỡ hơn thôi), chứ còn phần nào không làm thì không có điểm là
đương nhiên.
Có lần mình phải làm bài soạn hợp đồng,
chỉ còn khoảng 10 phút nữa là hết giờ trong khi còn hơn nửa nội dung hợp đồng
mình chưa viết. Thế là thay vì tiếp tục soạn cụ thể điều khoản tiếp theo (dù
mình biết rất rõ cần soạn như nào), mình đã bỏ qua và chỉ viết hết tiêu đề các
điều khoản còn lại (đảm bảo hợp đồng đủ các phần từ đầu đến cuối). Và cuối cùng
bài thi ấy mình được 8 (dù hợp đồng còn chưa soạn xong). Nói chung còn nhiều
lần nữa gần như thế nên mình rút ra là phải làm ĐỦ trước.
2. Viết
dài là điều cần thiết. Nếu có
thể, hãy viết dài. (tất nhiên viết ngắn mà chuẩn thì không nói làm gì, nhưng
nếu chưa đạt đến đẳng cấp ấy thì nên chọn viết dài).
3. Chữ
đẹp là điều có lợi. (có cô
giáo bảo mình thế đấy, nhìn chữ nó đẹp quá nên có ấn tượng nó là người chăm
chỉ, tâm huyết với bài).
4. Câu
nào biết trước làm trước. Câu nào bạn mình biết thì mình tranh thủ lúc nó
làm đi để đi làm câu khác (rồi sau đó làm gì thì ai cũng biết rồi đấy).
5. Điều quan trọng nhất đó là phải hiểu được ý của người ra đề.
Thường thì người ra đề sẽ cho vào những phần trọng tâm, những nội dung chính
hoặc một số trường hợp ngoại lệ điển hình (đã giảng trong chương trình). Vì đề
thi là muốn kiểm tra kiến thức của cả môn học xem người làm nắm chắc kiến thức
cơ bản đến đâu thôi nên việc đưa ra các phương án giải quyết quá mới mẻ , quan
điểm cá nhân chưa được thầy cô nhắc đến bao giờ thường là sai đấy nhé (tất
nhiên là hầu hết thôi, không phải tất cả).
6. Có ba
loại người đi thi viết nói
chung: Loại méo biết gì, Loại đọc nhung nhăng nên tưởng mình biết và Loại thực
sự biết. Loại thứ nhất và loại thứ ba điểm thường cao. nếu là loại thứ hai thì
nên nghe lời loại thứ ba. Nếu loại thứ ba nó không nhắc cho thì hãy nghe lời
loại thứ nhất. Tóm lại là đã học thì hãy học đến nơi đến chốn.
Thực ra những điều mình nói trên đây có lẽ
ai cũng biết, nhưng đó là những thứ mình đã trải qua và thấy đúng. Có những thứ
ai cũng biết nhưng áp dụng hay không và áp dụng như thế nào thì rất khác nhau.
Không yêu xin đừng nói lời cay đắng.
Đọc phần 1 ở đây: Phần 1: "Giới hạn nội dung thi: Trừ hai cái bìa"
Tâm thư: Việc thi viết chỉ cần thể hiện được mình
nắm được kiến thức cơ bản là nắm trong tay điểm 7, điểm 8 rồi. Để đạt điểm giỏi
không quá khó, mà để đạt từ giỏi lên xuất sắc mới là khó. Còn làm sao để đạt
được xuất sắc thì mình không nói đâu =)))) (đang tỏ ra biết đấy chứ thực ra có
biết méo đâu).
Tâm sự: Khoảng cách giữa thi được điểm cao và việc
thực sự hiểu bản chất của luật là rất xa nhau. Và việc hiểu bản chất của luật
và việc sau này đi làm, áp dụng quy định pháp luật cũng rất khác nhau. Nên đừng
quá coi trọng điểm số.
0 nhận xét