Pages

2016/11/11

Luật Ngân hàng - vấn đề chuyển tiền ra nước ngoài - 9 Điểm

Hôm nay mình vừa thi ngân hàng về và biết rằng bài tập lớn môn Luật Ngân hàng của mình được 9 điểm. Ú ziaa! Thế là hí hửng up ngay lên đây khoe =))) Thực ra mình nhìn điểm bài tập lớn môn này của lướp mình rất cao, không ít các bạn cũng được 9. Các em/bạn sắp học môn này thì cố gắng ở điểm bài tập lớn nha, điểm cao điểm cao ( chứ còn thi đề khoai lắm :'(((( )




MỞ ĐẦU
Xu hướng của thế giới hiện đại chính là hội nhập hóa, toàn cầu hóa. Các nước tham gia các tổ chức thế giới, hình thành các tổ chức khu vực, liên kết, hợp tác, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung ấy, đồng thời còn nắm bắt và tận dụng rất linh hoạt các cơ hội vươn mình ra thế giới. Một trong những yếu tố quyết định của câu chuyện hội nhập đó chính là sự giao lưu về thương mại quốc tế. Cùng với đó là nhu cầu về ngoại hối tăng mạnh nhằm đáp ứng các nhu cầu thanh toán quốc tế của người sử dụng, kích thích mạnh mẽ hoạt động chuyển tiền đi nước ngoài tại các tổ chức tín dụng. Đây là một trong những lĩnh vực kinh doanh vừa đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các tổ cức tín dụng vừa mang lại hiệu quả chung cho toàn xã hội. Vì vậy, bài tiểu luận được lựa chọn trình bày đề bài “phân tích các cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng chuyển ngoại tệ ra nước ngoài và những vấn đề pháp lý phát sinh cũng như hướng giải quyết thông qua thực tiễn áp dụng trong năm 2015 và trong bố cảnh quản lý ngoại hối, huy động ngoại hối trong thời gian tới” nhằm giúp hiểu sâu hơn về hoạt động tín dụng này.

NỘI DUNG

I)                  Tổng quan về hoạt động chuyển ngoại tệ ra nước ngoài của các tổ chức tín dụng
1.     Các tổ chức tín dụng  và hoạt động chuyển ngoại tệ ra nước ngoài
Theo luật Các Tổ chức tín dụng 2010, tổ chức tín dụng được định nghĩa là: “Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.” ( khoản 1 điều 4 ).
Ngoại tệ là “Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực”  và hoạt động chuyển ngoại tệ ra nước ngoài là việc công dân Việt Nam chuyển ngoại tệ ra nước ngoài thông qua tổ chức tín dụng được phép. Hoạt động chuyển ngoại tệ ra nước ngoài là một hoạt động trong số các hoạt động ngoại hối, được liệt kê tại khoản 1, điều 4, pháp lệnh Ngoại hối là:
1.     Ngoại hối bao gồm:
đ, Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.
Thực tế, đối với hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam, các mức ngoại tệ được chuyển ra nước ngoài được quy định bằng đô la Mỹ.

2.     Các đối tượng được phép chuyển ngoại tệ ra nước ngoài

Theo quy định tại điều 7 Nghị định 70/2014/NĐ-CP quy định về chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài quy định về các trường hợp được chuyển ngoai tệ ra nước ngoài, có thể thấy các đối tượng được chuyển tiền ra nước ngoài bao gồm:
-         Người cư trú là tổ chức
-         Người cư trú là công dân Việt Nam
-         Người không cư trú, người cư trú là người nước ngoài có ngoại tệ trên tài khoản hoặc các nguồn thu ngoại tệ hợp pháp
-         Tổ chức tín dụng được phép

3.     Các trường hợp được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài

Tại Điều 7 Nghị định 70/2014/ NĐ-CP quy định về các trường hợp được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài như sau:
1. Người cư trú là tổ chức được thực hiện chuyển tiền một chiều ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ hoặc các mục đích khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
2. Người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho các mục đích sau:
a) Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;
b) Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài;
c) Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài;
d) Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài;
đ) Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài;
e) Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài;
g) Chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.
3. Người không cư trú, người cư trú là người nước ngoài có ngoại tệ trên tài khoản hoặc các nguồn thu ngoại tệ hợp pháp được chuyển, mang ra nước ngoài; trường hợp có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam thì được mua ngoại tệ để chuyển, mang ra nước ngoài.
4. Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm xem xét các chứng từ, giấy tờ do người cư trú, người không cư trú xuất trình để bán, chuyển, xác nhận nguồn ngoại tệ tự có hoặc mua từ tổ chức tín dụng được phép để mang ra nước ngoài căn cứ vào yêu cầu thực tế, hợp lý của từng giao dịch chuyển tiền.
Các quy định trên chủ yếu dựa trên mục đích chuyển tiền ra nước ngoài để kiểm soát cũng như thiết lập điều kiện đối với các đối tượng chuyển tiền. Như người cư trú là tổ chức chỉ được chuyển tiền khi mục đích chuyển tiền là “tài trợ, viện trợ hoặc mục đích khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” . Đối với người cư trú là công dân Việt Nam, điều kiện để được chuyển tiền ra nước ngoài là phải chứng minh được mục đích chuyển tiền là một trong bảy mục đích quy định tại khoản 2, điều 7.
Bên cạnh đó, các yếu tố về vấn đề “cư trú” và “xác định nguồn gốc tiền” cũng là vấn đề được quan tâm khi các nhà làm luật đưa ra chế định về vấn đề chuyển ngoại tệ ra nước ngoài.
Vì đây là hoat động chuyển tiền ra nước ngoài chứ không phải là mang tiền ra nước ngoài nên các tổ chức tín dụng đóng một vai trò bắt buộc và quan trọng – vừa là bên thực hiện dịch vụ chuyển tiền, vừa là bên đảm bảo các vấn đề pháp lý thủ tục, vừa phải xác định nguồn gốc ngoại tệ đó.

I)                  Thủ tục chuyển ngoại tệ ra nước ngoài
1.     Đối với người cư trú là tổ chức:
Mục đích chuyển tiền được quy định là nhằm “tài trợ, viện trợ hoặc các mục đích khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”
Ngoài ra, việc chuyển tiền của các tổ chức không chỉ được quy định trong Pháp lệnh ngoại hối mà còn quy định trong luật đầu tư đối với các doanh nghiệp triển khai hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Theo đó: “Giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải được thực hiện thông qua một tài khoản vốn riêng mở tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam và phải đăng ký tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối”
Các điều kiện để doanh nghiệp chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài:
Điều 64. Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài
1. Nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép. Trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư;
c) Có tài khoản vốn theo quy định tại Điều 63 của Luật này.
2. Việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ hoặc hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường và thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư khác theo quy định của Chính phủ.”
Ngoài ra, việc  quản lý các dòng tiền đầu tư ra nước ngoài còn dựa trên cơ sở Thông tư 36/2013/TT-NHNN có quy định về mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Theo đó, các ngân hàng thương mại phải được Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN Việt Nam xác nhận tài khoản, tiến độ về chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh ở địa phương nào thì phải đăng ký với NHNN tỉnh, thành phố về hoạt động đầu tư ra nước ngoài ở địa phương ấy.
NHNN địa phương là khâu cuối cùng trong hoạt động kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp chuyển ra nước ngoài đầu tư, trên cơ sở doanh nghiệp phải có giấy phép chấp thuận của Bộ KH&ĐT về hoạt động đầu tư ra nước ngoài, số lượng vốn chuyển để đầu tư, tiến độ dự án đầu tư. Cùng với đó, DN phải có đầy đủ các giấy phép ở quốc gia nơi DN Việt Nam đến đầu tư xác nhận.
Một điểm mới trong quy định về chuyển ngoại tệ ra nước ngoài nhằm thực hiện dự án đầu tư và một trong những nội dung quan trọng, đó là nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư.
Quy định này sẽ góp phần quan trọng nhằm  tháo gỡ những vướng mắc. hạn chế tồn tại cho việc chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam. Lý do là vì, theo quy định của Nghị định 78/2006/NĐ-CP về đầu tư ra nước ngoài, thì nhà đầu tư chỉ được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
2.  Đối với cá nhân cư trú là người Việt Nam
Mục đích
Giấy tờ chứng minh mục đích chuyển tiền
Hạn mức
Thanh toán chi phí học tập
- Thư xác nhận nhập học /Thư xác nhận đang học tập/Thẻ sinh viên
- Giấy thông báo hoặc email có xác nhận của nhà trường về học phí
- Bảng tính toán chi phí của nhà trường
- Hộ chiếu hoặc visa còn hiệu lực
Hạn mức chuyển tiền căn cứ thông báo chi phí  của trường. Không có thông báo chi phí thì hạn mức sẽ áp dụng như quy định
Thanh toán chi phí chữa bệnh
- Giấy tiếp nhận khám chữa bệnh của cơ sở chữa bệnh nước ngoài hoặc giấy giới thiệu ra nước ngoài chữa bệnh
- Giấy thông báo hoặc email có xác nhận về chi phí chữa bệnh, ăn, ở, sinh hoạt và các chi phí liên quan khác của cơ sở chữa bệnh nước ngoài
- Hộ chiếu của người bệnh và thân nhân đi kèm
- Vé máy bay của người bệnh và thân nhân đi kèm hoặc hộ chiếu có đóng dấu xuất nhập cảnh
Hạn mức chuyển tiền sẽ căn cứ vào thông báo chi phí của cơ sở khám chữa bệnh nước ngoài. Trường hợp không có thông báo thì hạn mức sẽ áp dụng như quy định
Trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài
- Bản sao chứng thực các giấy tờ chứng minh quan hệ thân nhân, gia đình. Trường hợp là bố mẹ nuôi, con nuôi thì cần có xác nhận theo quy định của pháp luật
- Bản sao CMND hoặc hộ chiếu còn giá trị của người chuyển trợ cấp
- Giấy tờ chứng minh thân nhân của người chuyển đang ở nước ngoài như: hộ chiếu thể hiện quốc tịch nước sở tại, Visa định cư hoặc Giấy phép cư trú,….
- Lệnh chi ngoại tệ
Công dân Việt Nam được chuyển tiền trợ cấp thân nhân mỗi người tối đa bằng mức ngoại tệ tối đa mang qua cửa khẩu quốc tế mà không phải khai
Báo Hải Quan/ người hưởng trợ cấp /năm.
Chuyển tiền cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài
- Đơn xin chuyển ngoại tệ ra nước ngoài
- Bản sao, chứng thực về việc chia thừa kế
- Văn bản ủy quyền của người thừa kế hoặc tài liệu chứng minh tư cách đại diện theo pháp luật của người xin chuyển ngoại tệ.
- CMND/Hộ chiếu còn giá trị của người chuyển
- Giấy tờ chứng minh người hưởng thừa kế đang định cư hợp pháp tại nước ngoài.

Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài
- Đơn xin chuyển ngoại tệ ra nước ngoài
- Bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép định cư
- Bản sao chứng thực hộ chiếu của người xuất cảnh.
.
Mang hoặc chuyển ngoại tệ với mục đích đi công tác
- Quyết định cử cán bộ đi công tác và dự toán chi phí do lãnh đạo cơ quan phê duyệt.
- Giấy giới thiệu của cơ quan cấp cho cán bộ đi công tác và vé máy bay của cán bộ đi công tác
- Hộ chiếu của cán bộ đi công tác/ Hoặc visa của cán bộ đi công tác
Căn cứ theo thông báo chi phí của cơ quan nước ngoài/quy định chi phí công tác của đơn vị.
Mang hoặc chuyểnngoại tệ với mục đích du lịch, thăm viếng nước ngoài
- Hộ chiếu hoặc visa của cá nhân đi du lịch, thăm viếng
- Vé máy bay
- Xác nhận đặt phòng khách sạn ở nước ngoài
- Thư mời thăm viếng được gửi từ nước ngoài /Hợp đồng du lịch
Căn cứ thông báo chi phí của CT lữ hành

Trước đây, Pháp Luật có quy định về giới hạn mức chuyển, mang ngoại tệ để trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài tại Quyết định 1437/2001/QĐ-NHNN về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam:
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố cấp Giấy phép chuyển, mang ngoại tệ một lần trong một năm cho Công dân Việt Nam có nhu cầu trợ cấp cho thân nhân nhưng tối đa không quá 5.000 USD cho một người hưởng trợ cấp.
Tuy nhiên, hiện nay, khi Pháp lệnh ngoại hối được sửa đổi, bổ sung và  được hướng dẫn tại Nghị định 70/2014/NĐ-CP, Quyết định này đã hết hiệu lực. Theo đó, Nghị định 70/2014/NĐ-CP có quy định:
Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm xem xét các chứng từ, giấy tờ do người cư trú, người không cư trú xuất trình để bán, chuyển, xác nhận nguồn ngoại tệ tự có hoặc mua từ tổ chức tín dụng được phép để mang ra nước ngoài căn cứ vào yêu cầu thực tế, hợp lý của từng giao dịch chuyển tiền.
Do đó, Pháp luật hiện hành không còn quy định giới hạn mức chuyển ngoại tệ của người cư trú là công dân Việt Nam cho thân nhân ở nước ngoài. Tổ chức tín dụng (Ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân ) mà người đó chuyển ngoại tệ sẽ xem xét chứng từ, giấy tờ của người đó để chuyển ngoại tệ ra nước ngoài căn cứ vào yêu cầu thực tế và tính hợp lý của giao dịch chuyển tiền.

3, Người không cư trú, người cư trú là người nước ngoài

Mục đích sử dụng ngoại tệ
Giấy tờ chứng minh mục đích chuyển tiền
Hạn mức chuyển tiền
Chuyển thu nhập hợp pháp ra nước ngoài
- Hộ chiếu của người chuyển tiền (bản sao kèm bản gốc để đối chiếu)
- Hợp đồng lao động hoặc bảng lương hàng tháng có chữ ký xác nhận của đại diện theo pháp luật của tổ chức trong đó có nêu rõ lương hàng tháng (và tiền thưởng, phụ cấp nếu có) (bản sao kèm bản gốc để đối chiếu)
Căn cứ theo bảng lương hoặc hợp đồng lao động giữa cá nhân với tổ chức thuê lao động.
Chuyển tiền ra nước ngoài khi chấm dứt hợp đồng lao động
- Hộ chiếu của người chuyển tiền (bản sao kèm bản gốc để đối chiếu)
- Biên bản thanh lý hợp đồng lao động (bản sao kèm bản gốc để đối chiếu)
Căn cứ theo bảng lương /hợp đồng lao động
Chuyển ngoại tệ ra nước ngoài đối với tiền thuế giá trị gia tăng được hoàn lại
- Hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập xuất cảnh (bản sao kèm bản gốc để đối chiếu)
- Thẻ lên tàu bay/tàu biển (bản sao kèm bản gốc để đối chiếu)
- Hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế đã được cơ quan hải quan kiểm tra và xác nhận số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (bản chính)
Căn cứ hóa đơn hoàn thuế đã được cơ quan hải quan kiểm tra và xác nhận số tiền hoàn thuế GTGT.
Chuyển ngoại tệ trúng thưởng ra nước ngoài đối với cá nhân được phép khi tham gia hoạt động trò chơi điện tử có thưởng
- Hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập xuất cảnh của cá nhân (bản sao kèm bản gốc để đối chiếu)
- Xác nhận số tiền trúng thưởng của đơn vị kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng (bản chính)
- Giấy phép thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác của Ngân hàng nhà nước cấp cho đơn vị kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng (bản sao chứng thực)
Căn cứ giấy xác nhận chi tiền thưởng của đơn vị kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng.

Theo đó, vai trò của tổ chức tín dụng trong việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài là:
Tổ chức tín dụng đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. TCTD là bên thứ ba trung gian thực hiện hoạt động chuyển tiền. Không chỉ thế, TCTD còn là bên có trách nhiệm:
-         xem xét các chứng từ, giấy tờ do người cư trú, người không cư trú xuất trình để bán, chuyển
-         xác nhận nguồn ngoại tệ tự có hoặc mua từ tổ chức tín dụng được phép để mang ra nước ngoài căn cứ vào yêu cầu thực tế, hợp lý của từng giao dịch chuyển tiền.
Như vậy TCTD được quyền yêu cầu xem xét các chứng từ, giấy tờ khác cũng như xác minh nguồn gốc số tiền mua, mang, chuyển căn cứ vào phát sinh thực tế, hợp lý của từng giao dịch cụ thể để chuyển, xác nhận nguồn ngoại tệ tự có hoặc mua từ TCTD.
Qua việc thực hiện dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài, các tổ chức tín dụng tham gia vào hoạt động quản lý dòng tiền, kiểm soát tín dụng nhằm lưu thông tiền phòng chống hoạt động rửa tiền,, đáp ứng các nhu cầu chuyển ngoại tệ trên thị trường,  đồng thời phòng chống hoạt động rửa tiền.
II)              Các vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động chuyển ngoại tệ ra nước ngoài
1.     Đối với hoạt động chuyển ngoại tệ ra nước ngoài của tổ chức
Khi DN có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài, không ít doanh nghiệp gặp phải những vướng mắc, hạn chế trong thủ tục cũng như vấn đề phát sinh khi muốn chuyển tiền ra nước ngoài. Đối với đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, theo quy định thì được thực hiện theo hướng dẫn của NHNN Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến động khá phức tạp của thị trường tài chính quốc tế trong những năm vừa qua thì NHNN Việt Nam khá thận trọng và không khuyến khích hình thức đầu tư này. Đây lý do lớn nhất cản trở đối với việc triển khai hoạt động đầu tư ra nước ngoài của NĐT trong nước và nó đang đòi hỏi Việt Nam phải sớm có quy định điều chỉnh hoạt động ĐTGT. Bên cạnh đó, nếu để“khoảng trống” pháp lý càng kéo dài, càng tạo điều kiện cho việc xuất hiện những trường hợp lách luật. Khi đó, vừa không quản lý được hoạt động ĐTGT ra nước ngoài, vừa có nguy cơ gây ra những hạn chế không mong muốn khác đối với hoạt động này, nhất là về hoạt động quản lý ngoại hối.
Nghị định 135/2015/ NĐ-CP được ban hành ngày 31/12/2015 có hiệu lực vào 15/02/2016 tuy đã quy định cụ thể hơn về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài nhưng vẫn chưa

2.     Đối với hoạt động chuyển ngoại tệ ra nước ngoài của cá nhân
Mặc dù pháp luật hiện hành không còn quy định giới hạn mức chuyển ngoại tệ của người cư trú là công dân Việt Nam cho thân nhân ở nước ngoài tuy nhiên vì còn phải dựa trên các hoạt động của TCTD, đảm bảo tài chính nên trên thực tế, người cư trú là công dân Việt Nam khi chuyển tiền ra nước ngoài thường bị hạn chế hạn mức chuyển tiền. Với trường hợp cơ sở đào tạo/bệnh viện ở nước ngoài không có thông báo về tiền ăn, ở, sinh hoạt và các chi phí khác có liên quan thì ngoài số tiền học phí/viện phí đã được thông báo, thì khách hàng được chuyển thêm ngoại tệ ra nước ngoài với hạn mức như sau:
·        MB – Ngân hàng quân đội:

Tên nước
Mức SHP(người/ tháng)
USD
EUR
Hoa kỳ, Anh, Canada, Nhật Bản
1200

Áo, Bỉ, Pháp, Đức, Liechtenstein,Luxembourg, Monaco, Hà Lan, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Iceland, Ireland, Latvia, Litva, Na Uy, Thụy Điển

888
Úc, New Zealand
1032

Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong
600

Ai Cập
540

Ba Lan,Bungari, Hungari, Séc, Nga
480

Các nước khác
415


·        Agribank – Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam:
-         Trường hợp cơ sở chữa bệnh nước ngoài không có thông báo về tiền ăn, ở , sinh hoạt và các chi phí khác có liên quan thì ngoài số tiền viện phí đã được thông báo, khách hàng được chuyển them tối đa không quá 7.000 USD cho một người bệnh, cho một lần đi chữa bệnh.
-         Trường hợp cơ sở đào tạo ở nước ngoài không có thông báo về tiền ăn, ở, sinh hoạt và các chi phí khác có liên quan thì ngoài số tiền học phí đã được thông báo, khách hàng được chuyển thêm cho mỗi năm học tối đa không quá 7.000 USD cho một người đi học.
·        Với ngân hàng Sacombank:
-         Số ngoại tệ chuyển dưới 7.000USD khách hàng có thể liên hệ bất kỳ điểm giao dịch nào của Sacombank để làm thủ tục chuyển ngoại tệ.
-         Số ngoại tệ chuyển trên 7.000 USD khách hàng hãy liên hệ bất kỳ điểm giao dịch nào của Sacombank để được cung cấp dịch vụ chuyển tiền trọn gói

3.     Bất cập trong quản lý dòng tiền dẫn đến chuyển tiền bất hợp pháp, rửa tiền
Một trong những bất cập lớn nhất trong hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài chính là tạo cơ hội cho tội phạm rửa tiền, biến những đồng tiền bẩn thành tiền sạch. Từ các quy định pháp luật cũng như từ chính các quy định của các tổ chức tín dụng mặc dù đã cố gắng quản lý dòng tiền một cách chặt chẽ nhất nhưng vẫn không tránh khỏi những thủ đoạn rửa tiền ngày càng chuyên nghiệp và tinh vi.
Báo cáo tháng 12/2015 của Global Financial Integrity (GFI- Tổ chức Toàn vẹn Tài chính Toàn cầu) có tên Luồng tài chính phi pháp từ các quốc gia đang phát triển: 2004-2013 của 2 tác giả Dev Kar và Joseph Spanjers thống kê được tại Việt Nam trong giai đoạn 2004-2013, có tổng cộng 92,935 tỷ USD được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài. Vào thời điểm 2013, lượng tiền chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài lên tới 17,837 tỷ USD. (xem thêm phụ lục )
Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi năm 2013 có quy định cởi mở hơn việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài rất dễ tạo kẽ hở pháp lý nảy sinh trường hợp lợi dụng sự thông thoáng trong pháp lệnh ngoại hối mới nhằm mục đích chuyển tiền bất hợp pháp, gây khó khăn trong phòng chống rửa tiền.
 Câu chuyện rửa tiền thông qua hoạt động chuyển ngoại tệ ra nước ngoài không còn là câu chuyện mới mà đã diễn ra từ rất lâu nhưng pháp luật về tín dụng vẫn chưa thực sự kiểm soát được tình trạng này. Điển hình là trong vụ việc thông tin 189 cá nhân và tổ chức người Việt có tên trong Hồ sơ Panama do Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố, Bộ Tài chính đã thành lập tổ công tác rà soát lại các trường hợp DN chuyển giá, chuyển nhượng vốn. (xem thêm phụ lục )
Cho đến nay Bộ KH&ĐT chưa cấp phép cho một trường hợp nào đến các “thiên đường thuế”. Về vụ việc này, giới chuyên gia đầu tư cho rằng, rất có thể có những liên quan đến tài khoản dịch chuyển các dòng vốn.
Rất nhiều vụ việc rửa tiền đã bị phát hiện trong suốt những năm vừa qua với những thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Một cách thức rửa tiền khá phổ biến hiện nay là thông qua việc chuyển tiền ra nước ngoài thông qua sử dụng các thẻ tín dụng. Một vụ án khá điển hình cho thủ đoạn rửa tiền này: phát hiện 2 nghi can sử dụng thẻ Visa Debit để tuồn tiền “bẩn” từ Việt Nam ra nước ngoài, sau đó lại chuyển “tiền sạch” vào Việt Nam. Chúng dùng thủ đoạn thuê 10 người mở thẻ Visa Debit, sau đó mang số thẻ này sang Campuchia vì Campuchia cho phép các trụ ATM nhả nội tệ và USD. Sau khi mang thẻ sang Campuchia, đồng bọn ở Việt Nam liên tục chuyển tiền vào 10 thẻ Visa Debit trên, còn các nghi can tại Campuchia cũng liên tục rút tiền tại Campuchia. Số tiền sau khi rút ra được chúng mua vàng chuyển về Việt Nam và từng bước hợp thức hóa.
Hay, xuất hiện và tồn tại các ngân hàng ngầm khiến hoạt động chuyển ngoại tệ ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Các tổ chức tín dụng hợp pháp không chỉ mất đi một số lượng khách hàng lớn mà còn có nguy cơ vô tình tiếp tay cho hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài. Thực chất, ngân hàng ngầm là hệ thống chuyển tiền thay thế là hệ thống chưa đăng ký, chưa được cấp phép thực hiện nhận tiền, tài sản từ nơi này để chuyển cho người thụ hưởng ở nơi khác. Các ngân hàng ngầm có đại diện ở nhiều nước khác nhau để thực hiện dịch vụ chuyển tiền từ nước này sang nước khác hoặc từ thành phố này sang thành phố khác trong cùng một quốc gia. Bọn tội phạm lợi dụng nguyên tắc giữ bí mật của những ngân hàng này đã đem tiền đến gửi và yêu cầu nhận lại ở một thành phố khác. Hiện nay, hệ thống chuyển tiền thay thế được chấp nhận ở một số quốc gia trên thế giới, một số quốc gia không chấp nhận trong đó có Việt Nam.

4.     Các chủ thể lợi dụng chuyển tiền ra nước ngoài để trốn thuế
Việt Nam cho phép các doanh nghiệp trong nước mở công ty ra nước ngoài. Điều này có nghĩa công ty đó có thể mở tài khoản ở nước ngoài để thực hiện các giao dịch chuyển khoản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cũng có thể nhờ đối tác nước ngoài thực hiện giao dịch để chuyển tiền phi pháp ra nước ngoài. Do vậy, việc kiểm tra không hề đơn giản. Pháp luật về ngoại hối mặc dù quy định những điều kiện khắt khe về việc chuyển tiền ra nước ngoài của các doanh nghiệp. Nhưng xuất phát từ chính hoạt động kinh doanh “ảo” của doanh nghiệp, khả năng quản lý yếu hoặc chưa triệt để với nhiều lỗ hổng, từ đó các cá nhân, tổ chức có thể lách và cố tình làm sai. Hơn nữa quy tắc bảo mật thông tin của các ngân hàng thế giới khiến việc điều tra, tiếp cận tin tức, tài liệu bị hạn chế.
Chiến thuật mà những ông lớn công nghệ như Google, Facebook hay Apple,… sử dụng dựa trên cái gọi là “Chuyển giá” (Transfer Pricing), là những giao dịch trên giấy tờ giữa những công ty con, nhằm chuyển giao số thu nhập ra nước ngoài đến những quốc gia có mức thuế thấp, trong khi phí tổn lại rơi vào những quốc gia có mức áp thuế cao hơn. Những mánh lới kiểu này gây tổn hại cho chính quyền Hoa Kỳ 60 tỷ USD mỗi năm.
Google đã lợi dụng một loại cơ cấu thuế có tên là “Double Irish” và “Dutch Sandwich” ở Ireland, khi cho phép chuyển tiền từ một chi nhánh của Google ở Ireland sang một chi nhánh của Google ở Hà Lan, mà về thực chất được đặt ở Bermuda là nơi không có thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này giúp cho Google “tiết kiệm” được 2,4 tỉ USD. Trong những năm qua, phần lớn lợi nhuận mà người khổng lồ công nghệ đã được chuyển hết sang… Bermuda. Trong năm 2015, Alphabet công bố thuế suất trung bình mà công ty phải đóng ở thị trường ngoài Mỹ chỉ là 6,3%. (xem thêm phụ lục)
     Việc các doanh nghiệp thông qua hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài để lợi dụng các quy định về pháp luật thuế tại các quốc gia khác nhau để giảm mức thuế phải nộp không còn là một câu chuyện quá mới mẻ. Nhưng vì vấn đề bất cập khó xác định rõ ràng giữa hành động trốn thuế và đầu tư thông thường nên rất khó khăn trong việc kiểm soát cũng như kết luận chính xác. Đây chính là một lỗ hổng của pháp luật mà đến nay các nhà lập pháp và hành pháp vẫn chưa khắc phục được

III)           Một số phương hướng đề xuất nhằm giải quyết các bất cập trong hoạt động chuyển ngoại tệ ra nước ngoài
1.     Xây dựng và tăng cường các biện pháp pháp lý
 Theo cam kết hội nhập, mở cửa thị trường tài chính, mà trước mắt là với khu vực ASEAN, sớm hay muộn Việt Nam sẽ phải có những định hướng, biện pháp quản lý dòng vốn ĐTGT ra nước ngoài. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể vẫn còn đang cân nhắc, thận trọng trên cơ sở lộ trình mở cửa thị trường tiền tệ, thị trường tài chính theo cam kết khu vực và quốc tế, cũng như trình độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, để đáp ứng tình hình thực tiễn, cũng như nhu cầu ĐTGT ra nước ngoài của một bộ phận NĐT, Việt Nam nên có những quy định cụ thể về ĐTGT để đem lại một số lợi ích nhất định không những cho Nhà nước mà cho cả NĐT.
Tao hành lang pháp lý thông thoáng hơn để khuyến khích đầu tư, giao thương kinh tế. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư ra nước ngoài theo xu hướng toàn cầu hóa. Nhưng đồng thời cũng cần có những chế định quản lý phù hợp để kiểm soát dòng tiền và hoạt động ngoại hối. Mặc dù nghị định 83/2015./NĐ-CP đã quy định chặt chẽ hơn với những dự án đầu tư mà tiền mặt ngoại tệ chuyển ra nước ngoài từ 20 tỷ đồng (tương đương gần 1 triệu USD), thì vẫn phải lấy ý kiến thống nhất với Ngân hàng Nhà nước trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nhưng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn cần giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp để hạn chế những trường hợp rửa tiền, trốn thuế, …
Luật pháp về tiền tệ, ngân hàng và các công cụ, biện pháp quản lý tài chính càng ngày càng phải được hiện đại hóa. Luật pháp về tiền tệ và ngân hàng cần phải được thực thi nghiêm minh, công khai, quá trình giám sát cần phải chặt chẽ, minh bạch

2.     Tăng cường chuyên môn, chuyên sâu trong các tổ chức tín dụng
Các ngân hàng trong nước vươn ra nước ngoài để lập doanh nghiệp hoặc lập chi nhánh còn quá ít, điều này khiến các nhà đầu tư ra nước ngoài của VN trong tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án, ngoài ra việc ngân hàng VN đầu tư ra nước ngoài ít cũng ảnh hưởng nhất định đến hoạt động thanh toán thương mại quốc tế của VN. Vì vậy, các ngân hàng cần phát triển hệ thống các ngân hàng đại lý và thường xuyên cập nhật các thay đổi của các ngân hàng nước ngoài và xây dựng các chương trình hỗ trợ chi nhánh trong việc kiểm tra, kiểm soát các giao dịch chuyển tiền đi nước ngoài
Nâng cao năng lực, trình độ cho nhân viên của tổ chức tín dụng. Nhân viên thực hiện các hoạt động nhận và  chuyển tiền ra nước ngoài cần không ngừng trau dồi nghiệp vụ, chuyên môn để thực hiện hoạt động tín dụng một cách hiệu quả, chính xác và nhanh chóng.
Đặc biệt cần tăng cường giám sát, kiểm tra xác minh nguồn gốc tiền cũng như xác minh mục đích chuyển tiền đúng đắn. Kết hợp giữa bảo mật thông tin khách hàng nhưng cũng cần phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức tín dụng khác để phòng chống rửa tiền, giảm thiểu và phòng chống rủi ro.
 Hoàn thiện và đổi mới công nghệ ngân hàng phục vụ hoạt động chuyển tiền đi nước ngoài đồng thời tăng cường nguồn ngoại tệ phục vụ khách hàng.

3.     Từ phía các chủ thể chuyển tiền

Các chủ thể sử dụng dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài cần tuần thủ đầy đủ chặt chẽ các quy trình thủ tục đồng thời có trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin khai báo.
Thực chất, các vấn đề phát sinh của việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài hầu hết đều xuất phát từ phía đối tượng sử dụng dịch vụ. Vì các chủ thể này luôn tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài vừa để hợp pháp hóa, vừa đảm bảo an toàn, tránh rủi ro trong kinh doanh, kéo theo đó là những động cơ chuộc lợi. Một doanh nghiệp Trung Quốc đã sử dụng phương thức mới khá lạ đời nhằm trốn tránh những quy định kiểm soát vốn đang bị Bắc Kinh siết chặt: dựng lên một vụ kiện vi phạm hợp đồng trong đó công ty Trung Quốc sẽ là bên thua cuộc. Công ty Trung Quốc đã cố tình thua trong một vụ kiện mà theo đó họ phải nộp phạt 3,5 triệu USD.công ty sản xuất tư nhân này muốn sử dụng một vụ kiện giả thay vì một khoản tiền phạt giàn xếp đơn thuần bởi cơ quan quản lý sẽ giám sát vụ việc rất chặt chẽ. Họ muốn tăng tính chính thống của sự việc, đồng thời quá trình xét xử cũng diễn ra khá nhanh, chỉ mất 3 tháng mà thôi.
Có thể thấy cần nâng cao ý thức và kiểm soát chặt chẽ hơn từ chính những cá nhân, những tổ chức có mục đích chuyển tiền ra nước ngoài. Nhà nước cần vừa tuyên truyền giáo dục pháp luật, vừa đưa ra các chế tài xử phạt thích đángcho những hành vi vi phạm.

 

KẾT LUẬN

Hoạt động thanh toán đi nước ngoài có vai trò to lớn đối với việc giúp cho người dân tiếp cận các phương tiện thanh toán văn minh hiện đại của thế giới, góp phần nâng cao đời sống cộng đồng dân cư, nâng cao đời sống xã hội. Đồng thời, hoạt động thanh toán quốc tế nói chung và hoạt động chuyển tiền đi nước ngoài nói riêng không chỉ góp phần quan trọng trong việc tạo nên hiệu quả hoạt động kinh doanh tại ngân hàng mà còn là một mắc xích quan trọng thúc đẩy các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng phát triển. Tuy nhiên, hoạt động chuyển tiền đi nước ngoài vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần phải khắc phục, cùng với nó là sự cạnh tranh gay gắt của các ngân hàng trong và ngoài nước. Mặc dù còn khá nhiều những hạn chế, bất cập trong cơ sở pháp lý và trong cả thực tiễn áp dụng, nhưng với sự ra đời của rất nhiều những nghị định, thông tư mới, hi vọng rằng hoạt động chuyển ngoại tệ ra nước ngoài tại Việt Nam sẽ chuyển biến tích cực hơn.



DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Văn bản pháp luật:
-         Pháp lệnh ngoại hối 2005
-         Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013.
-         Luật đầu tư 2014
-         Nghị định 70/2014/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi
-         Nghị định của Chính phủ số 50/2014/NĐ-CP ngày 20/5/2014 về quản lí dự trữ ngoại hối nhà nước.
-         Thông tư 15/2015/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
-         Thông tư 37/2013/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay ra nước ngoài và thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
-         Thông tư 15/2015/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
-         Thông tư 21/2014/TT-NHNN hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
-         Nghị định 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài
-         Thông tư 12/2016/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
2.     Giáo trình:
-         Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật ngân hàng Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2014.
3.     Các tài liệu online:
-         Thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài của một số ngân hàng:
Vietcombank(http://www.vietcombank.com.vn/personal/MoneyTransfer/ )
BIDV (http://bidv.com.vn/Sanphamdichvu/khachhangcanhan/Cac-san-pham-chuyen-tien/Dich-vu-chuyen-tien-quoc-te-qua-Swift.aspx )
Agrbank (http://agribank.com.vn/61/997/khach-hang-ca-nhan/dich-vu-chuyen-tien/dich-vu-chuyen-tien-ra-nuoc-ngoai-qua-western-union.aspx )
Sacombank (http://www.sacombank.com.vn/canhan/Pages/Chuyen-tien-tu-Viet-Nam-ra-nuoc-ngoai.aspx )
Techcombank (https://www.techcombank.com.vn/khach-hang-ca-nhan/chuyen-nhan-tien-quoc-te/tai-khoan/chuyen-tien-ra-nuoc-ngoai-qua-tai-khoan)
ACB (http://acb.com.vn/vn/personal/giao-dich-cung-acb/nhan-chuyen-tien/chuyen-tien-ngoai-nuoc)
-         FIA Việt Nam, Trang thông tin điện tử đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài: “Tháo “chốt hãm” chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài” ( link: http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/2759/Thao-chot-ham-chuyen-tien-dau-tu-ra-nuoc-ngoai )
-         Báo Đời sống và Pháp luật, Cơ quan TW của hội Luật gia Việt Nam: “Tiết lộ động trời về cách chuyển tiền ra nước ngoài của trùm cá độ” ( link: http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/tiet-1o-dong-troi-ve-cach-chuyen-tien-ra-nuoc-ngoai-cua-trum-ca-do-a19377.html)
-         Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh: “Hồ sơ Panama: Rà soát dữ liệu chuyển tiền của người Việt” (link: http://plo.vn/thoi-su/ho-so-panama-ra-soat-du-lieu-chuyen-tien-cua-nguoi-viet-628384.html)

-         Thời báo Tài chính Việt Nam, Cơ quan của Bộ Tài chính: “Đầu tư ra nước ngoài: Có nên đặt nặng nguy cơ trốn, lách thuế?” (link: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2016-05-20/dau-tu-ra-nuoc-ngoai-co-nen-dat-nang-nguy-co-tron-lach-thue-31827.aspx)


Tải bản word của bài tiểu luận ở đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét