Luật Hành chính - Vai trò của khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với việc đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước - 8đ

by - 10:39:00

MỞ ĐẦU

          Hoạt động khiếu nại và giải quyết khiếu nại hiện nay ngày càng có vai trò quan trọng trong quá chính quản lý hành chính nhà nước, trong việc đảm bảo nền pháp chế xã hội chủ nghĩa. Vì ý nghĩa quan trọng và cần thiết của hoạt động này, bài tiểu luận xin được tìm hiểu, nhận thức sâu sắc hơn về Vai trò của khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với việc đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước ”



NỘI DUNG

I) Khái quát chung về khiếu nại và giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính nhà nước
1.                 Khái quát chung về khiếu nại
1.1 Định nghĩa
          Theo Khoản 1, Điều 2 Luật khiếu nại thì: “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”
1.2 Đặc điểm
-         Cơ sở phát sinh khiếu nại là xung đột giữa lợi ích cá nhân, tổ chức với Nhà nước
-         Mục đích của khiếu nại là bảo vệ và khôi phục quyền và lợi ích của của người khiếu nại đã bị quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước xâm hại
-         Đối tượng của khiếu nại là các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỳ luật cán bộ, công chức của cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ảnh hường trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức
-         Chủ thể có quyền khiếu nại bao gồm: công dân, cơ quan, tổ chức; cán bộ công chức; cá nhân, tổ chức nước ngoài có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan
-         Khiếu nại được thực hiện theo thủ tục hành chính được quy định trong Luật khiếu nại, tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành
2.                 Giải quyết khiếu nại
          Giải quyết khiếu nại theo Từ điển Luật học của Bộ tư pháp là “ xem xét, xác minh, kết luận và quyết định theo trình tự, thủ tục do luật định các khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, đề nghị xem xét lại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người đưa đơn khiếu nại”
3.                 Pháp chế
          Pháp chế là một khái niệm khoa học có nội dung đa nghĩa mà hạt nhân của nó là sự tôn trọng và thực hiện pháp luật, một cách tự giác, đầy đủ, nghiêm chỉnh, thống nhất trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân.
          Nếu pháp luật là cơ sở nền tảng để xây dựng pháp chế vừa là công cụ bảo đảm, bảo vệ pháp chế thì pháp chế cũng vừa là điều kiện cho sự tồn tại của pháp luật vừa là căn cứ, cơ sở để củng cố phát triển hoàn thiện pháp luật.
II)              Vai trò của khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong việc đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước
          Pháp chế xã hội chủ nghĩa trong khiếu nại và hoạt động giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước là một hoạt động pháp lý của nhà nước, trong đó tồn tại hệ thống quy phạm pháp luật khiếu nại hoàn thiện, đồng bộ, phản ánh yêu cầu dân chủ xã hội chủ nghĩa trong việc đảm bảo quyền khiếu nại của công dân được quy định trong Hiến Pháp, đòi hỏi các cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và các chủ thể khác tham gia quan hệ pháp luật khiếu nại phải tự giác, nghiêm chỉnh thực hiện (tuân thủ, chấp hành, sử dụng, áp dụng) đúng đắn các quy định của pháp luật khiếu nại, có cơ chế hữu hiệu kiểm tra, giám sát hoạt động giải quyết khiếu nại, của các cơ quan hành chính nhà nước, đấu tranh phòng, chống và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại, nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Từ khái niệm trên có thể xác định nội dung và vai trò hoạt động khiếu nại và giải quyêt khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước trong  pháp chế xã hội chủ nghĩa.
1.     Vai trò của khiếu nại trong việc đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước
1.1Khiếu nại đảm bảo quyền dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong quan hệ pháp luật hành chính
          Khiếu nại là một trong những quyền tự nhiên, cơ bản của con người được Hiến pháp nước ta quy định ( Điều 30 Hiếp pháp 2013) Vì vậy khiếu nại được coi là quyền hiến định, quyền dân chủ và hơn thế nữa là quyền để bảo vệ quyền. Quan hệ pháp luật hành chính chính là quan hệ “ quyền lực – phục tùng”, quan hệ bất bình đẳng về ý chí giữa các bên tham gia. Chủ thể đặc biệt ( cơ quan, tổ chức, cá nhân được nhân danh và sử dụng quyền lực nhà nước) tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính trên cơ sở sử dụng quyền lực nhà nước còn chủ thể thường ( công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại) có nghĩa vụ chấp hành việc sử dụng quyền lực nhà nước của chủ thể đặc biệt.  Vì vậy, quy định về khiếu nại chính là Nhà nước trao quyền cho người dân có hay không việc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính bất hợp pháp.
          Theo khoản 1 Điều 1 Luật khiếu nại, tố cáo quy định rõ về quyền khiếu nại: “ Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định hành chính hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền tỏng cơ quan hành chính nàh nước khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.”
          Ngoài ra, pháp luật hiện hành còn có nhiều quy định đảm bảo quyền khiếu nại cho công dân như quy định về hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực, quy định về sự tham gia của các cơ quan ngôn luận vào quá trình giải quyết khiếu nại,... Như vậy, hoạt động khiếu nại đóng vai trò quan trọng, chủ chốt trong việc đảm bảo quyền dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong quan hệ pháp luật hành chính. Vì thế, việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân có vai trò to lớn trong việc mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần tích cự vào việc tăng cường và bảo đảm pháp chế.
          Như vậy, thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo không những bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh, trí tuệ của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước, mà còn bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quản lý hành chính nhà nước
1.2.         Khiếu nại phản ánh việc thực thi quyền lực của bộ máy nhà nước, tình hình thực hiện công vụ của cán bộ, công chức nhà nước
          Luật khiếu nại năm 2011 có quy định rõ khi xác định quyết định hành chính,  hành vi hành chính bị khiếu nại phải là quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. ( cụ thể hơn so với Luật khiếu nại tố cáo 1998, sửa đổi bổ sung năm 2004, 2005 ).
          Thông qua hình thức này của nhân dân, các cơ quan nhà nước có thể kịp thời phát hiện những hiện tượng tiêu cực trong bộ máy hành chính nhà nước để có những biện pháp để chấn chỉnh kịp thời. Trong mối quan hệ giữa chủ thể quản lý – Nhà nước và đối tượng quản lý – công dân thì khiếu nại là kênh “thông tin ngược” từ đối tượng quản lý đến chủ thể quản lý về những tồn tại, khiếm khuyết của quản lý nhà nước.
          Khiếu nại là một kênh thông tin có giá trị chân thực, khách quan phản ánh hoạt động của quyền lực nhà nước, do đó khiếu nại còn được coi là công cụ để công dân giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước. Chúng phản ánh hoạt động tiêu cực, bất ổn của bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, nhân viên nhà nước, là nguồn thông tin quan trọng được cơ quan nhà nước tiếp nhận, xử lý, góp phần tích cực vào việc tăng cường và bảo đảm pháp chế. Thông qua khiếu nại, tố cáo của công dân mà nhiều hành vi tham nhũng, lãng phí, vi phạm dân chủ được làm sáng tỏ, phát hiện những cán bộ, công chức không đủ tư cách thoái hóa biến chất trong đội ngũ cán bộ, công chức của bộ máy nhà nước góp phần làm cho bộ máy nhà nước thêm trong sạch, củng cố lòng tin của nhân dân lao động đối với Đảng và Nhà nước ta.
2.                 Vai trò của giải quyết khiếu nại trong việc đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước
2.1.         Giải quyết khiếu nại giúp bảo vệ, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân khi bị xâm phạm bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính
          Hoạt động giải quyết khiếu nại giúp bảo đảm và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại mà pháp luật khiếu nại đã quy định. Theo đó, các hoạt động giải quyết khiếu nại như: thực hiện đầy đủ trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền, trách nhiệm chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại, trách nhiệm xử lý vi phạm pháp luật khiếu nại, trách nhiệm quản lý công tác giải quyết khiếu nại, …; nhận thức và quán triệt đầy đủ các nguyên tắc giải quyết khiếu nại; tuân thủ những quy định về việc ban hành quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại; tuân thủ nghiêm ngặt thẩm quyền giải quyết khiếu nại từ giai đoạn thụ lý khiếu nại, kiểm tra, xác minh, kết luận, ban hành quyết định, kết luận khiếu nại, tổ chức thực hiện quyết định, kết luận khiếu nại; tuân thủ những quy định trong việc tổ chức thực hiện quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại.
          Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước thể hiện sự minh bạch, công khai tạo tiền đề quan trọng để người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết đúng pháp luật, xử lý vi phạm trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, đảm bảo sự công bằng, bảo vệ, khôi phục quyền và lợi ích hợp  pháp của công dân.
2.2.         Khiếu nại và giải quyết khiếu nại tốt sẽ giúp các cơ quan nhà nước pháp hiện những sai lầm, hạn chế nhằm sửa chữa, nâng cao hiệu quả hoạt động
          Thông qua khiếu nại nhà nước kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy và hoàn thiện hoạt động quản lý của mình. Khiếu nại và hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo phản ánh thực trạng nền hành chính quốc gia, phản ánh hoạt động thi hành công vụ của cán bộ, công chức nhà nước. Vì vậy thông qua hoạt động giải quyết khiếu nại tố cáo, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của cấp dưới, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém và xử lý hành vi vi phạm pháp luật để xây dựng một nền hành chính vững mạnh, trong sạch, chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
          Không chỉ thế, hoạt động giải quyết khiếu nại còn khiến cáo cơ quan hành chính nhà nước và những người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải tự giác nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ, đúng đắn các quy định của pháp luật khiếu nại và pháp luật khác có liên quan là góp phần đảm bảo thực hiện pháp chế xã hội chủ nghĩa. Việc cơ quan hành chính nhà nước và những người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật khiếu nại có ý nghĩa quyết định đến việc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.
          Bên cạnh đó việc cấp dưới phục tùng chỉ đạo của cấp trên, lợi ích của ngành, địa phương, lợi ích của từng cá nhân phù hợp với lợi ích chung của quốc gia khi giải quyết khiếu nại tố cáo…Tất cả những điều trên đều là điều kiện quan trọng để thiết lập trật tự, kỷ cương, đảm bảo tính thống nhất của pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quản lý hành chính nhà nước.
2.3.         Kiểm tra tính đúng đắn, phù hợp của đường lối, chính sách, pháp luật đã ban hành
          Thông qua khiếu nại Nhà nước kiểm định được tính đúng đắn, phù hợp và khả thi của chính sách, pháp luật do mình ban hành, đồng thời kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức và cá nhân thông qua việc đánh giá tính hợp pháp của các quyết định hành chính, hành vi hành chính, qua đó giúp Nhà nước hoàn thiện cơ chế quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời nhằm khôi phục các quyền, lợi ích của công dân, cơ quan, tổ chức bị quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm. Công tác giải quyết khiếu nại không chỉ phát hiện hành vi sai phạm, cán bộ mắc khuyết điểm để xử lý, mà còn giúp các cấp lãnh đạo, các cơ quan, đơn vị… có cái nhìn đầy đủ, khách quan và chính xác hơn về những yếu kém trong công tác, đường lối kịp thời đề ra giải pháp chấn chỉnh, uốn nắn cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội và của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
III)           Thực trạng của khiếu nại, hoạt động giải quyết khiếu nại và phương hướng
1. Thực trạng của khiếu nại và hoạt động giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước
          Theo thống kê trong  Báo cáo 2804/BC-UBPL13 năm 2014 kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước Ủy ban Pháp luật ban hành có các số liệu:
          Trong thời gian từ ngày 01/01/2011 đến hết năm 2013, ở nước ta diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng. Do đó, việc khiếu nại, tố cáo ngoài tình hình như các năm trước còn có những đặc thù nhất định. Các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận 389.063 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, trong đó:
          Về khiếu nại: phát sinh 327.706 lượt đơn khiếu nại với 170.257 vụ việc
thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước. Nội dung khiếu nại chủ yếu trong lĩnh vực đất đai chiếm 74,76% số đơn khiếu nại; còn lại là các khiếu nại trong các lĩnh vực khác.
          - Năm 2011, có giảm về số lượt người và số lượng đơn thư nhưng số vụ
việc, số đoàn đông người tăng so với năm 2010, đặc biệt là trước thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND khiếu nại, tố cáo tăng đột biến.
          - Năm 2012, giảm về số lượt người, số lượng đơn thư và số vụ việc khiếu nại, tố cáo so với năm 2011, nhưng số lượt đoàn đông người tăng và tính chất mức độ có thời điểm gay gắt hơn.
          - Năm 2013, số lượng đơn thư giảm nhiều, trong đó số vụ việc giảm (30,42%) so với năm 2012, nhưng lại tăng số lượt khiếu nại, tố cáo đông người.
          Nhận thấy rằng tình hình khiếu nại vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai; nhiều vụ việc khiếu nại năm trước chưa giải quyết xong lại phát sinh khiếu nại, tố cáo mới; một số địa phương khiếu nại, tố cáo giảm nhiều nhưng ở địa phương khác lại tăng mạnh; khiếu kiện đông người tiếp tục tăng, còn nhiều vụ việc khiếu nại kéo dài, người khiếu kiện có thái độ bức xúc, gay gắt, vượt cấp lên trung ương gây mất trật tự nơi công cộng; khiếu kiện liên quan đến tôn giáo ở một số địa phương tăng.
          Về giải quyết khiếu nại:
          - Tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo
          Các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận 536.789 đơn thư các loại, trong đó, đã xử lý 310.720/389.063 đơn khiếu nại, tố cáo (227.248 đơn
khiếu nại; 83.472 đơn tố cáo), với 170.257 vụ việc khiếu nại, 27.108 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước.Nhìn chung, công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn, thư được quan tâm, đã ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý đơn thư. Việc theo dõi kết quả giải quyết sau khi chuyển đơn có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, đơn vị xử lý đơn, thư còn chậm trễ, vi phạm về trình tự, thủ tục.
          - Kết quả giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo
          Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 167.654/197.365 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 84,83%. Cụ thể: Giải quyết 144.707/170.257 vụ, đạt tỷ lệ 85%. Trong đó: Thanh tra Chính phủ kết luận báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết 175/299 vụ việc khiếu nại. Các bộ, ngành đã giải quyết 19.782/23.638 vụ, đạt tỷ lệ 83,7%. Các địa phương đã giải quyết 124.750/146.320 vụ, đạt tỷ lệ 85,3%. Phân tích từ kết quả giải quyết 107.890 vụ việc khiếu nại cho thấy: có 41.288 vụ đúng và có đúng, có sai (38,3%); 66.602 vụ khiếu nại sai (61,7%). Nhìn chung, công tác giải quyết khiếu nại được nhiều cấp, ngành, địa phương quan tâm và chỉ đạo thực hiện nên đã tạo được những chuyển biến tích cực, tỉ lệ vụ việc khiếu nại được giải quyết cao. Tuy nhiên, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những hạn chế nhất định; một số bộ, ngành, địa phương xử lý đơn, thư còn chậm và để xảy ra sai sót; việc theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo sau khi chuyển đơn còn nhiều hạn chế. Phân tích từ kết quả giải quyết khiếu nại thì có khoảng 39,25% khiếu nại đúng và có đúng, có sai; 60,75% khiếu nại sai;qua đó cho thấy trình độ, năng lực còn hạn chế của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đã ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính không đúng... mà bị dân khiếu nại.
IV)           Một số phương hướng đề xuất để nâng cao vai trò của khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với việc đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước
          - Các cơ quan có thẩm quyền tăng cường công tác giám sát việcgiải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào các địa bàn, lĩnh vực còn tồn tại nhiều khiếu nại, tố cáo; tổ chức giám sát một số vụ việc nổi cộm, bức xúc được xã hội quan tâm.
          - Tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác thi hành các quy định của Luật khiếu nại, Luật tiếp công dân, Luật đất đai; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại và các văn bản pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó tiến hành tổng kết để phát hiện những khó khăn, vướng mắc để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về khiếu nại.
          - Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác quản lý liên quan đến lĩnh vực có nhiều khiếu nại; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại; cần đề cao trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong việc tiếp công dân, đối thoại với công dân, giải quyết kịp thời ngay tại cấp cơ sở.
          - Tăng cường công tác thanh tra, làm rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với cán bộ, công chức sai phạm, thiếu trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc người lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước

KẾT BÀI

          Khiếu nại và giải quyết khiếu nại đã thể hiện được tầm quan trong của mình trong việc đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa. Do đó, để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tất yếu các cơ quan hành chính nhà nước phải thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Giải quyết tốt, có hiệu quả khiếu nại, tố cáo là nhân tố tích cực tác động trở lại đối với hoạt động chấp hành và điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

V)              Giáo trình Luật hành chính Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2014
VI)            Giáo trình Thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2013
VII)        Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 (sửa đổi bổ sung năm 2005)
VIII)     Nghị định số 136/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo
IX)                 Báo cáo 2804/BC-UBPL13 năm 2014 kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước Ủy ban Pháp luật ban hành: http://thuvienphapluat.vn/archive/Bao-cao-2804-BC-UBPL13-2014-giam-sat-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-cong-dan-co-quan-hanh-chinh-nha-nuoc-vb272262.aspx

You May Also Like

0 nhận xét