Luật Dân sự module 2 - biện pháp bảo lãnh trong giao dịch dân sự - 8đ

by - 08:42:00

MỞ ĐẦU
          Hợp đồng dân sự là giao dịch xây dựng dựa trên sự thỏa thuận của các chủ thể tham gia. Cũng chính bởi yếu tố chủ quan này mà việc giao kết các hợp đồng dân sự luôn chứa đựng những yếu tố rủi ro. Bởi vậy, để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các chủ thể, pháp luật dân sự còn quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự. Trong thực tế, có thể thấy rằng các biện pháp bảo đảm này được sử dụng rất phổ biến và còn gây nhiều vướng mắc trong các giao dịch dân sự. Bài tiểu luận xin đi vào tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về một trong số những biện pháp bảo đảm ấy: biện pháp bảo lãnh.


NỘI DUNG
I)      Những vấn đề lý luận chung về biện pháp bảo lãnh và thế chấp để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
1.     Những vấn đề lý luận chung về biện pháp bảo lãnh
1.1            Định nghĩa:
Theo điều 361 BLDS 2005 quy định:
          “Bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
1.2               Đặc điểm
          Biện pháp bảo lãnh có những đặc điểm riêng biệt so với những biện pháp bảo đảm khác:
-       Về chủ thể: quan hệ bảo lãnh luôn xuất hiện bên thứ ba. Quan hệ bảo lãnh luôn có ba bên chủ thể: bên nhận bảo lãnh, bên bảo lãnh, bên được bảo lãnh với ba quan hệ nghĩa vụ dân sự: bên có quyền – bên có nghĩa vụ, bên bảo lãnh – bên nhận bảo lãnh, bên bảo lãnh – bên được bảo lãnh.
-       Bảo lãnh là biện pháp bảo đảm mang tính đối nhân
-       Về thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh: Nếu giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh không có thỏa thuận gì thêm thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi đến hạn mà bên có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đấy đủ nghĩa vụ hoặc không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ
-       Tính phụ thuộc của nghĩa vụ bảo lãnh vào nghĩa vụ được bảo lãnh: nghĩa vụ bảo lãnh là một nghĩa vụ phụ, nó có thể được thể hiện là hợp đồng phụ bảo đảm cho hợp đồng chính, cũng có thể là các điều kiện để thực hiện hợp đồng chính. Khi nghĩa vụ chính bị xác định là vô hiệu thì không làm phát sinh hiệu lực của biện pháp bảo lãnh.
1.3              Hình thức:
          “Việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản bảo lãnh phải được công chứng hoặc chứng thực.” (điều 362 BLDS 2015)
2.     Thế chấp và thế chấp để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
2.1             Thế chấp
          Khoản 1 điều 342 BLDS 2005 quy định:
          “Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.
          Là một biện pháp bảo đảm, thế chấp có những đặc điểm chung của biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, bên cạnh đó, thế chấp còn có các đặc trưng sau:
-       Là một biện pháp bảo đảm đối vật nhưng quyền của bên nhận thế chấp đa phần mang tính đối nhân.
-       Không có sự chuyển giao tài sản
-       Một tài sản có thể thế chấp trước nhiều bên nhận thế chấp để bảo đảm nhiêu nghĩa vụ dân sự
2.2             Thế chấp để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
          Việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bằng biện pháp bảo lãnh có thể được diễn ra dưới nhiều hình thức với nhiều đối tượng khác nhau.
          Thế chấp để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là việc áp dụng biện pháp bảo đảm thế chấp để bảo đảm cho nghĩa vụ của bên được bảo lãnh, nhận tài sản bảo đảm của bên thứ ba là việc bên có quyền nhận tài sản bảo đảm thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bảo lãnh để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh). Hợp đồng bảo đảm được ký kết trong trường hợp này là hợp đồng bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba.
II)  Tìm hiểu một vụ việc về bảo lãnh trên cơ sở quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành
          Trong thực tế những vụ việc cụ thể về bảo lãnh và thế chấp để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khá phổ biến, nhất là trong lĩnh vực bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trong hoạt động ngân hàng. Những vụ việc rất điển hình là việc tranh chấp hợp đồng tín dụng được bảo lãnh bằng tài sản của người thứ ba, sau đây là một vụ việc như thế:
          Công ty cổ phần Phú Cường sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Nguyễn Văn Dũng ( diện tích 400 m2 ) để thế chấp ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội. Hợp đồng tín dụng số 234/HĐ được ký kết giữa ông Dũng và Ngân hàng TMCP Phương Đông – chi nhánh Hà Nội với thời hạn 24 tháng ( 24/2/2006 đến 24/2/2008 ), lãi suất vay ngân hàng là 1,1% / tháng. Hợp đồng thế chấp ký tại văn phòng công chứng giữa ông Dũng và công ty CP Phú Cường. Ông Dũng là người ủy quyền cho Công ty CP Phú Cường sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên mình.
          Trong hợp đồng thế chấp, định giá giá trị tài sản của gia đình ông Dũng là 2 tỷ đồng, được vay mức tối đa 1,6 tỷ đồng. Hợp đồng được ký kết ba bên: bên được bảo lãnh ( Công ty CP Phú Cường ), bên nhận bảo lãnh ( Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội ), bên bảo lãnh ( Ông Dũng ).
          Tuy nhiên, chưa đầy một năm vay vốn, do công ty CP Phú Cường không trả lãi đúng hạn, ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội yêu cầu gia đình ông Dũng phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với khoản vay của Công ty CP Phú Cường với số tiền 977.717.997 đồng ( tạm tính đến ngày ký giấy ). “Nếu đến ngày 20/12/2006 hộ gia đình ông Dũng không thanh toán được số nợ quá hạn thay cho Công ty CP Phú Cường thì hộ gia đình ông Dũng phải bàn giao tài sản đảm bảo cho Ngân hàng  TMCP Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội để xử lý nợ”. Tiếp theo, ngày 29/5/2007 Chi nhánh Ngân hàng Phương Đông tiếp tục có thông báo mời bên vay và bên bảo lãnh đến ngân hàng làm việc. Sau đó, ngày 13/8/2007,  ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội tiếp tục gửi cho gia đình ông Dũng thông báo toàn bộ số nợ quá hạn với tổng số 1.106.820.343 đồng. Cũng theo thông báo này, nếu ông Dũng và công ty CP Phú Cường không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng sẽ khởi kiện bên vay, bên bảo lãnh về hành vi chiếm dụng bất hợp pháp.
          Trước hết, để giải quyết vụ việc này, cần tìm hiểu những quy định của hoạt động ngân hàng kết hợp với những quy định của BLDS 2005 trong việc bảo lãnh và thế chấp để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
1.     Bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trong hoạt động ngân hàng
          Bảo lãnh ngân hàng là sự cam kết của bên bảo lãnh đối với bên có quyền ( Ngân hàng ) về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên có nghĩa vụ ( bên được bảo lãnh ) khi chủ thể này không thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên có quyền.
          Theo đó, sự kiện bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ đối với bên có quyền chính là điều kiện làm phát sinh việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.  Việc khách hàng ( người được bảo lãnh ) phải cam kết hoàn trả cho bên bảo lãnh số tiền đã được trả thay được xem như hệ quả tất yếu của việc thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng hệ quả tất yếu này chỉ phát sinh khi bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ và bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình. Như vậy, có thể thấy rằng quan hệ bảo lãnh ngân hàng xuất phát từ bản chất là mối quan hệ giao dịch bảo đảm chứ không phải quan hệ cấp tín dụng.
          Cam kết bảo lãnh mang tính chất đơn vụ, chỉ có bên bảo lãnh có nghĩa vụ đối với ngân hàng. Đồng thời, cũng phải hiểu rằng, trong quan hệ làm phát sinh nghĩa vụ được bảo lãnh, người bảo lãnh là người thứ ba, nhưng trong quan hệ bảo lãnh đang xét tới, người bảo lãnh là người trực tiếp giao kết.



         
Đặc điểm: Quan hệ bảo lãnh có đầy đủ các đặc điểm của biện pháp bảo lãnh như trên, ngoài ra, do đặc thù nghiệp vụ bảo lãnh mà quan hệ bảo lãnh còn mang những đặc điểm riêng:
-       Chủ thể của quan hệ bảo lãnh phải là những chủ thể đáp ứng được các điều kiện do pháp luật quy định. Thực tế, chủ yếu các chủ thể tham gia quan hệ bảo lãnh là các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động thep pháp luật Việt Nam.
-       Bảo lãnh ngân hàng mang tính độc lập, khi xảy ra tranh chấp ở nghĩa vụ chính giữa khách hàng và ngân hàng mà không thuộc phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh thì bên bảo lãnh sẽ không liên quan.
-       Bảo lãnh ngân hàng là loại bảo lãnh luôn thu phí
-       Đối tượng để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh luôn là tài sản
2.     Thế chấp tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ với ngân hàng
          Việc thế chấp để đảm bảo hoạt động bảo lãnh với ngân hàng cũng mang các đặc điểm của biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự nói chung và đặc điểm của biện pháp thế chấp nói riêng. Ngoài ra, nó còn mang những đặc điểm riêng mang tính nghiệp vụ ngân hàng:
-     Tài sản thế chấp thường có giá trị lớn
-      Tài sản thế chấp phải được định giá: vì theo nguyên tắc trong hoạt động vay vốn của ngân hàng thương mại thì vốn vay tối đa chỉ bằng 70% giá trị của tài sản bảo đảm.
-      Các thủ tục mang tính trọng thức: Việc thế chấp tài sản phải được lấp thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế chấp phải được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm.
3.     Đi vào phân tích cụ thể vụ việc thực tế
3.1   Chủ thể:
          Trước hết cần xác định trong vụ việc này có ba quan hệ pháp luật cơ bản. Theo đó, ta có các cặp chủ thể sau:
-    Bên có quyền và bên có nghĩa vụ: Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội và công ty CP Phú Cường
-   Bên nhận bảo lãnh và bên bảo lãnh: Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội và ông Dũng
-     Bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh: Ông Dũng và công ty CP Phú Cường
3.2  Đối tượng
          Trong quan hệ cho vay giữa ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội và công ty CP Phú Cường, đối tượng là tiền, cụ thể là khoản tiền 1,6 tỷ đồng mà phía ngân hàng đã cho công ty vay.
          Trong quan hệ bảo lãnh giữa ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội và ông Dũng, đối tượng là việc thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ trong các trường hợp quy định, việc thực hiện nghĩa vụ này ông Dũng đã đảm bảo thực hiện bằng biện pháp thế chấp căn nhà được ngân hàng định giá 2 tỷ của gia đình ông Dũng.
          Trong quan hệ thứ ba, đối tượng là tài sản mà công ty CP Phú Cường phải thanh toán cho ông Dũng nếu ông Dũng thay công ty thực hiện nghĩa vụ với ngân hàng.
3.3 Quyền và nghĩa vụ của các bên:
          Vì đề tài bài tiểu luận hướng tới là biện pháp bảo lãnh cũng như việc dùng thế  chấp để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nên chỉ đi sâu phân tích quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ dân sự thứ hai, đó là quan hệ bảo lãnh giữa ngân hàng ( bên nhận bảo lãnh ) và ông Dũng ( bên bảo lãnh ).
          Quyền và nghĩa vụ của ông Dũng – bên bảo lãnh:
          Quyền của bên nhận bảo đảm được áp dụng theo điều Điều 349 BLDS 2005 về ''Quyền của bên thế chấp tài sản'', Điều 19 và Điều 47 Quyết định 27/ QĐ – NH1 của Thống đốc ngân hàng nhà nước về việc ban hành quy chế thế chấp cầm cố tài sản và bảo lãnh vay vốn ngân hàng như sau:
-  Kiến nghị bên nhận bảo lãnh tiến hành kiểm tra về sử dụng vốn vay của bên được bảo lãnh khi cần thiết.
-   Nhận lại giấy tờ và tài sản thế chấp khi chấm dứt bảo lãnh
-   Yêu cầu bên được bảo lãnh hoàn trả khoản tiền nợ mà bên bảo lãnh đã trả thay.
-   Được sử dụng, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi từ tài sản
          Nghĩa vụ của bên bảo lãnh được áp dụng theo điều 348 BLDS 2005 về ''Nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh'', Điều 18 và điều 46 Quyết định 27/ QĐ – NH1 như sau:
-  Đôn đốc bên được bảo lãnh trả nợ, lãi đúng hạn cho bên nhận bảo lãnh.
-  Thực hiện nghĩa vụ trả nợ, lãi, tiền phạt (nếu có) thay cho bên được bảo lãnh khi đến hạn trả nợ mà bên được bảo lãnh không trả toàn bộ hoặc một phần nợ cho bên nhận bảo lãnh.
-   Đề nghị cơ quan Công chứng Nhà nước hoặc Uỷ ban nhân dân cấp huyện chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản.
-   Giao bản gốc giấy tờ về quyền sở hữu tài sản thế chấp trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
-   Vì bên thế chấp giữ và tiếp tục khai thác, sử dụng tài sản thế chấp nên phải: Bảo quản tài sản thế chấp và giữ đúng giá trị như khi ký hợp đồng; áp dụng các biện pháp cần thiết; không được bán, trao đổi, chuyển nhượng, cho, tặng tài sản đang thế chấp.
-  Chịu mọi chi phí phát sinh về kiểm định, định giá, công chứng và đấu giá tài sản thế chấp.
          Quyền và nghĩa vụ của chi nhánh ngân hàng TMCP Phương Đông -  bên nhận bảo lãnh:
         Theo nguyên tắc chung của hợp đồng dân sự, quyền của bên này tướng ứng là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Quyền của bên nhận bảo đảm được áp dụng theo điều Điều 351 BLDS 2005 về ''Quyền của bên nhận thế chấp tài sản'', Điều 21 và Điều 49 Quyết định 27/ QĐ – NH1 như sau:
-    Giữ bản gốc các giấy tờ về quyền sở hữu tài sản thế chấp
-   Kiểm tra tài sản thế chấp và có biện pháp nhắc nhở bên thế chấp thực hiện hợp đồng nếu thấy có biểu hiện không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
-   Yêu cầu bên bảo lãnh có biện pháp đôn đốc bên được bảo lãnh trả nợ gốc, lãi đúng hạn.
-   Yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi đến hạn mà bên được bảo lãnh không trả được toàn bộ hoặc một phần nợ vay (bao gồm nợ gốc, lãi, tiền phạt quá hạn).
-    Được chủ động trích tài khoản tiền gửi của bên bảo lãnh hoặc yêu cầu nộp tiền để trả nợ thay cho bên được bảo lãnh nếu bên bảo lãnh không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh khi đến hạn.
-   Được quyền yêu cầu đấu giá hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tổ chức đấu giá tài sản thế chấp của bên bảo lãnh để trả nợ thay cho bên được bảo lãnh; được thanh toán nợ, lãi và tiền phạt (nếu có) từ tiền thu về đấu giá tài sản thế chấp.
          Nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh được áp dụng theo điều 350 BLDS 2005 về ''Nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh'', Điều 20 và điều 48 Quyết định 27/ QĐ – NH1 như sau:
-  Bảo quản giấy tờ về quyền sở hữu tài sản và các tài sản thế chấp của bên bảo lãnh đúng giá trị như khi ký hợp đồng bảo lãnh trong trường hợp thoả thuận bên bảo lãnh thế chấp tài sản
-  Trả lại giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản và các tài sản thế chấp cho bên bảo lãnh khi chấm dứt việc bảo lãnh.
3.4   Phương hướng giải quyết:
          Trong vụ việc này, trước hết cần xác định Công ty CP Phú Cường đã hoàn thành nghĩa vụ trả lãi như hợp đồng với chi nhánh ngân hàng hay chưa. Cùng với đó, cần xem xét trình tự thủ tục ngân hàng thông báo và xử lý tài sản là căn nhà.
          Trong trường hợp xác định Công ty CP Phú Cường không thực hiện hoặc không thực hiện đúng nghĩa vụ với chi nhánh ngân hàng, nghĩa vụ này nằm trong phạm vi được ông Dũng bảo lãnh thì ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo lãnh. Ông Dũng sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình với ngân hàng, được quyền yêu cầu bên được bảo lãnh là công ty CP Phú Cường thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi bảo lãnh, nếu không có thoả thuận khác.
          Trong trường hợp xác định Công ty Phú Cường không vi phạm nghĩa vụ hay vẫn còn khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc nghĩa vụ bị vi phạm không thuộc phạm vi bảo lãnh thì ông Dũng không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Lúc này tranh chấp chỉ xảy ra giữa Công ty CP Phú Cường và chi nhánh ngân hàng TMCP Phương Đông liên quan đến hợp đồng vay vốn.
4.                 Hiện tượng bất cập trong vấn đề bảo lãnh, thế chấp tại ngân hàng
          Thực tế đời sống có rất nhiều trường hợp khi Ngân hàng cho vay, khách hàng nhờ bên thứ 3 đưa tài sản vào để bảo đảm nghĩa vụ dân sự, hợp đồng giữa bên thứ 3 này và Ngân hàng không được xác định rõ là hợp đồng bảo lãnh, thế chấp hay thế chấp để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Nhiều ngân hàng khi thực hiện hợp đồng cho vay có bên thứ ba dùng tài sản để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ lại xác định đây là hợp đồng thế chấp. Một phần nguyên do là vì trong các văn bản hướng dẫn thi  hành Luật Đất đai 2003 quy định rõ: “Bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được hiểu là thế chấp bằng quyền sử dụng đất cho người thứ 3 vay vốn theo quy định của Bộ luật dân sự”. Và “việc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng… được chuyển thành việc thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng của người thứ 3”. Luật Nhà ở năm 2005 cũng như các quy định pháp luật liên quan cũng chỉ đề cập đến việc thế chấp, chứ không hề nhắc đến từ bảo lãnh. Từ đó dẫn đến việc hầu hết các hợp đồng bảo đảm của ngân hàng đều là thế chấp ( hoặc cầm cố ) chứ không được ký là hợp đồng bảo lãnh.
          Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp, Tòa án xem xét lại các hợp đồng đã giao kết sẽ xác định hợp đồng thế chấp đã ký thực chất phải là hợp đồng bảo lãnh, vì vậy dẫn đến tuyên hợp đồng vô hiệu. Các ngân hàng dễ đứng trước nguy cơ mất tài sản bảo đảm, bên bảo đảm chối bỏ trách nhiệm.

          KẾT BÀI
          Bảo lãnh và thế chấp tài sản để đảm bảo nghĩa vụ bảo lãnh đặc biệt thể hiện ưu thế của mình trong các hợp đồng dân sự và thương mại. Bên có quyền vẫn được đảm bảo quyền lợi ngay cả khi bên có nghĩa vụ không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. Đồng thời, vì quan hệ dân sự có liên quan đến người thứ ba, từ đó nâng cao ý thức thực hiện nghĩa vụ của bên được bảo lãnh và bên bảo lãnh.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ luật Dân sự, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2014
2. Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam ( tập 2 ), Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, 2014
3. Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự 2005, Bộ Tư pháp – Viện khoa học pháp lý, Chủ biên PGS.TS Hoàng Thế Liên, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013
4. Bài báo: Nguy cơ hàng vạn hợp đồng thế chấp của ngân hàng vô hiệu, http://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/nguy-co-hang-van-hop-dong-the-chap-cua-ngan-hang-vo-hieu-14176.html
5. Bài báo: Xử án tín dụng: Rối chuyện thế chấp, bảo lãnh, http://vietrustlaw.com.vn/home/index.php?option=com_content&task=view&id=683&Itemid=0
6. Cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật trung ương, http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-lichsu.aspx?ItemID=9120&Keyword=
7. Thông tin về dịch vụ bảo lãnh và thế chấp của ngân hàng Vietcombank, http://www.vietcombank.com.vn/Corporates/Guarantee/
8. Thông tin về dịch vụ bảo lãnh và thế chấp của ngân hàng Agribank, http://www.agribank.com.vn/51/1481/khach-hang-ca-nhan/bao-lanh.aspx
9. Thông tin về dịch vụ bảo lãnh và thế chấp của ngân hàng BIDV, http://bidv.com.vn/Sanphamdichvu/Khachhangdoanhnghiep/Tin-dung-bao-lanh.aspx
10. Các hình thức bảo lãnh ngân hàng, http://bichvan.vn/cac-hinh-thuc-bao-lanh-ngan-hang-ctbv185.html
11. Quyền của bên thứ ba với hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, http://www.luatdaiviet.vn/xem-tin-tuc/quyen-cua-ben-thu-ba-voi-hop-dong-the-chap-quyen-su-dung-dat

You May Also Like

0 nhận xét